Theo các chuyên gia vệ sinh dịch tễ, đã gọi là thuốc, thường phải có các thành phần hóa học và diệt côn trùng tức là có những hoạt chất, hóa chất mang độc.
Mặc dù điều đó không còn xa lại với nhiều người dân, nhất là trong điều kiện hiện nay, trình độ nhận thức của người tiêu dùng đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, do vô tình hoặc không cố ý mà không ít người vẫn mua, sử dụng phải những thuốc diệt côn trùng nguy hiểm không chỉ cho gia đình mình mà còn cả cho cộng đồng, môi trường, xã hội xung quanh.
Thấy con trẻ bị muỗi đốt nhiều, chị Thanh Hường ở Hoài Đức (Hà Nội) mua một hộp hương muỗi về đốt để xua muỗi với mong muốn muỗi không còn ở trong nhà và chị yên tâm "thả con" để làm việc nhà. Thế nhưng, khi hương muỗi được đốt lên, con trẻ hiếu kỳ lại chạy tới gần, quát mắng thế nào chúng cũng không nghe. Vậy là chị Thanh Hường phải cất thật kỹ vào gậm giường. Khi đang nấu cơm, thấy mùi khét khét của mảnh ni lông cháy, nhìn mãi xung quanh chẳng thấy gì, đến khi con trẻ khóc thét thì một góc giường ngủ đã bốc lửa ngùn ngụt.
"Hú hồn, hú vía, suýt nữa là cháy cả nhà vì cái hương muỗi chết tiệt", chị Thanh hường cho biết.
Không giống như trường hợp nói trên, trường hợp của ông Bùi Công Tuấn ở Từ Sơn (Bắc Ninh) còn làm cho cả tổ dân phố khiếp vía. Ông Tuấn mua 2 gói cốm thuốc chuột của Trung Quốc về để bẫy chuột vì sợ ổ gà con vừa nở sẽ bị chuột tha mất. Nhưng vừa mang thuốc chuột từ chợ về, hai thằng cháu nội đã nhặt mất, tưởng là quà của ông nội đi chợ về mua cho.
Thấy mất 2 gói thuốc chuột ở giỏ xe, ông Tuấn la cả tổ dân phố giúp tìm 2 đứa cháu nội. Nháo nhào một lúc, may thay có người hàng xóm phát hiện hai đứa trẻ vẫn chưa kịp ăn gói cốm.
Hoặc như trường hợp của bác Hải ở Đống Đa (Hà Nội) cũng là bài học cho nhiều gia đình khi tự ý phun thuốc muỗi. Thấy nhiều muỗi, bác Hải ra đường Trường Chinh (Hà Nội) mua 50.000 đồng thuốc diệt muỗi về tự phun. Khi phun thuốc xong chừng 1 tiếng, toàn thân bác Hải nổi mề đay, ngứa khắp nơi, nổi mẩn đỏ đến mức phải vào bệnh viện để truyền nước, giải độc vì dùng thuốc muỗi liều lượng quá đậm đặc.
Thị trường đang bày bán tràn lan các sản phẩm thuốc diệt côn trùng. (Ảnh minh họa)
Cẩn trọng không thừa
Hiện nay trên thị trường, bày bán tràn lan các sản phẩm thuốc diet con trung. Ở bất kỳ đâu, người tiêu dùng cũng có thể mua được hương (nhang), miến dán, bình xịt, các loại máy khuếch tán điện, máy siêu thanh hoặc chỉ cần "alo" là có người mang cả máy tới phun thuốc trừ côn trùng.
Tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, thuốc diệt côn trùng được bán trong các cửa hàng tạp hóa, chợ cóc, bán dạo… Các sản phẩm như thuốc diệt côn trùng Fendona 10 SC (nguồn gốc từ Đức) giá từ 8.000 đ - 16.000đ/gói; Bayer giá 40.000đ/20g pha được 5lít nước xịt được 100 mét tường. Các bình xịt nhãn hiệu Tongdaling (TQ) giá rẻ hơn, chỉ 15.000 đồng/bình; bình xịt nhãn hiệu Miechongling (TQ) giá cũng chỉ 13.000 đồng/bình, trong khi các sản phẩm của Mosfly có cùng kích cỡ, nhưng giá tới 31.000 đồng/bình.
Theo bác sĩ Vũ Đức Long, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, điều nguy hiểm hơn có nhiều người tự ý mua thuốc phun muỗi về pha và phun cho nhà mình. Nếu người dân dùng thuốc tùy tiện, không đúng liều lượng, dùng trong một thời gian quá dài... sẽ dẫn tới tình trạng côn trùng kháng thuốc.
Theo bác sĩ Long, các sản phẩm diệt côn trùng thường được sản xuất theo ba nhóm: Nhóm có gốc clo hữu cơ (gồm các chất như Aldrin, DDVP, DDT, BHC, Lindane), nhóm có gốc phốt pho hữu cơ (gồm Dichlorvos, Mathathion, Diazinon) và nhóm có gốc Pyrethrine. Thuốc xịt muỗi nhóm 1 và 2 đã bị cấm sử dụng do rất độc. Người dùng có thể bị nhiễm độc nếu không mang khẩu trang, bị dị ứng da, chảy nước mắt, ngứa, hắt hơi, khó thở…
TS. Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW cho biết, do dùng thuốc tùy tiện, không đúng liều lượng, dùng trong một thời gian quá dài nên dẫn tới tình trạng côn trùng thì kháng thuốc, "trơ" hóa chất, còn người thì nhiễm độc.Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế có những quy định rất nghiêm ngặt về phun hóa chất diệt côn trùng. Nhưng thị trường có rất nhiều loại hóa chất được bày bán tràn lan, người dân mua và tự phun thuốc, rất khó để kiểm soát mức độ nguy hiểm.
TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thuốc diệt côn trùng trong thành phần bao giờ cũng có những chất kịch độc đối với hệ thần kinh của loài chân đốt và thở bằng mạn sườn. Các hóa chất này chỉ được sử dụng với hàm lượng thấp, ngoài ra còn phải pha chế thêm dung môi giúp bám dính và thấm qua lớp lông mịn bao quanh cơ thể con côn trùng. Chỉ cần 1 - 2 hạt sương mịn thấm vào cơ thể, con côn trùng sẽ chết ngay tức thì.
PGS.TS Lê Văn Cát, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho rằng, các loại thuốc, hóa chất diệt côn trùng càng nhanh thì độc tính càng mạnh; hiệu quả diệt côn trùng kéo dài là do còn tồn dư thuốc trong môi trường, sẽ có hậu quả không tốt đến sức khỏe con người. Thành phần thuốc, hóa chất diệt côn trùng thường là thành phần hữu cơ độc, có thể ở dạng chất lỏng, hoặc dạng rắn. Thuốc tác động tới côn trùng qua các đường tiếp xúc da, tiêu hóa hoặc hô hấp... làm rối loạn tế bào máu, tê liệt hệ thần kinh hoặc phá hủy các cơ quan nội tạng của côn trùng... Và chắc chắn thuốc diệt côn trùng cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với con người cũng qua các đường tiếp xúc như vậy.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Yến, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cũng đưa ra cảnh báo về những loại thuốc diệt côn trùng không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối chỉ nên sử dụng các loại thuốc chính hãng, có nhãn mác đàng hoàng sẽ giảm được nguy cơ nhiễm độc không mong muốn; không sử dụng các loại thuốc không có tên tuổi nhà sản xuất, không có thành phần hóa chất và hướng dẫn sử dụng cụ thể. Khi phun, xịt thuốc cũng cần hết sức lưu ý cách bảo vệ như đeo găng tay, bịt khẩu trang để tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất và tốt nhất sau khi phun, xịt thuốc nên đóng kín cửa và đi ra ngoài, tránh hít phải mùi thuốc quá nhiều.
Có một số loại thuốc tồn lưu nhưng ở nồng độ cho phép, sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu dùng đúng quy định, đúng hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, cũng không nên quá lạm dụng các loại hóa chất này, mà trong cuộc sống hàng ngày nên chú ý dọn vệ sinh sạch sẽ, giữ cho nhà cửa khô thoáng, không khí trong lành sẽ hạn chế được các loại côn trùng như muỗi, gián…