Giật mình tỉnh dậy, chị chỉ biết ôm mặt khóc, vì ân hận, vì lo nghĩ không biết rồi đây chồng, con có chấp nhận khi mình mãn hạn tù trở về. Rồi đến giữa tháng 9 vừa qua, cái ngày chị vừa mong chờ, vừa không muốn đối mặt ấy cũng đến…
Anh Điệp chia sẻ câu chuyện của gia đình
Hạnh phúc không ngờ
Buổi sáng rời trại giam, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (SN 1978, ngụ ở ấp 4, X. Đốc Binh Kiều, H. Tháp Mười, T. Đồng Tháp) cầm bọc quần áo đứng tần ngần trước cổng. Chồng, con và những người thân trong gia đình không một ai đến đón chị. “Hoàn cảnh gia đình quá nghèo, lại thêm nỗi con gái mấy năm qua phải tốn tiền thuốc men, nên chắc mọi người không đến được”, chị tự nhủ. Để rồi sau đó, một suy nghĩ thoáng qua về “sai lầm không được những người thân yêu tha thứ” khiến chị lặng lẽ rơi nước mắt. Nhích từng bước nặng nề, chị bắt xe khách rồi sau đó lội bộ qua những cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc dạ trở về nhà.
Càng gần nhà, ký ức về cái ngày tự tay thiêu sống con lại càng hiện ra sống động. Càng nhớ lại sai lầm khủng khiếp ấy, chị càng sợ chồng và các con khó lòng tha thứ cho mình. Nhưng khi vừa đặt chân vào cửa căn chòi lá quen thuộc, chị đã òa khóc khi thấy chồng, con ngồi chờ sẵn bên mâm cơm. Vừa thấy mẹ, cô con gái từng bị chị nhẫn tâm thiêu sống 2 năm trước vụt đứng lên sà vào lòng. Ngồi bên cạnh, chồng chị nở nụ cười mãn nguyện, như để an ủi, động viên vợ rằng “quá khứ đã qua”. Giây phút ấy, chị Hương thấy cuộc đời mình như được tái sinh lần nữa. Gạt nước mắt, chị thầm hứa với bản thân dù nghèo khó, dù gian khổ cũng phải làm tất cả bù đắp cho con.
Chị Hương trò chuyện với người viết.
Khi chúng tôi tìm tới căn chòi lá lụp xụp, không khí đoàn viên ấm cúng vẫn còn nguyên vẹn trong gia đình từng hứng chịu tấn bi kịch. Gặp người viết, chị Hương chia sẻ: “Qua sai lầm, tôi nhận ra điều quý giá nhất là tình yêu thương gia đình”. Thấu hiểu sự ăn năn của mẹ, bé Lê Thị Ngọc Muội (SN 2000) cũng không ngại thổ lộ: “Em đã không còn vương vấn chuyện xưa. Nhớ lại lúc ngọn lửa bén vào người, em thấy đau đớn, thấy hận mẹ. Nhưng sau này nghĩ lại, em thấy giận bản thân mình hơn. Giá như lúc đó, em đừng mắc lỗi thì mẹ đã không mất đi sự bình tĩnh. Thời gian mẹ bị đi tù, em thường xuyên mất ngủ. Em muốn vào gặp mẹ, động viên mẹ quên hết chuyện cũ. Chỉ tại nhà nghèo quá, cha lại phải đi làm xa nên em đành chịu. Ngày mẹ về, em có bao lời muốn nói mà không thể thốt ra, chỉ biết ôm lấy mẹ òa khóc…”.
Nhắc lại chuyện cũ như một bài học xương máu, chị Hương không giấu nổi sự xúc động: “Tôi không biết chuyện con đi bán vé số bị người ta gạt mất. Có lẽ, nó sợ bị đòn nên không dám nói với cha mẹ mà âm thầm sang vay hàng xóm 100.000 đồng bù vào. Khi hai gia đình xảy ra mâu thuẫn, người hàng xóm sang đòi tiền cháu và buông lời miệt thị. Không nén được sự kích động, tôi mới lấy dầu hỏa dọa cháu, không ngờ ngọn lửa bùng lên quá nhanh”. Chứng kiến con hóa thành “ngọn đuốc sống” quằn quại, chị Hương như chết lặng. Cũng may lúc đó, những người hàng xóm đã chạy qua kịp thời dập lửa, cứu cháu Hương thoát chết trong gang tấc.
Khoảng thời gian thụ án trong trại giam, chị luôn bị hình ảnh đứa con giãy giụa gào khóc ám ảnh. Những ngày cuối cùng trước khi mãn án, chị phải đấu tranh tư tưởng với chính mình, vui vì được tự do nhưng cũng lo vì không biết phải đối mặt ra sao với chồng, con. Mang theo nỗi khắc khoải ấy, chị Hương cũng không ngờ ngày trở về của mình lại ngập tràn tình yêu thương, hạnh phúc. “2 năm trong trại, tôi đã nghĩ chồng và các con bỏ mình rồi. Khoảng thời gian ấy, tôi thi thoảng mới nhận được quà chứ tuyệt nhiên không được ai đến thăm. Sau này tôi mới biết, anh Điệp (Lê Ngọc Điệp, chồng chị Hương – PV) phải đi làm thuê lấy tiền nuôi con. Trong khi, bé Muội phải thay mẹ chăm sóc, lo liệu cho cả gia đình. Nếu không phải tôi sai lầm, cha con nó sẽ không khổ cực như vậy. Giờ ra tù, tôi chỉ ước ao có nhiều sức khỏe làm lụng, bù đắp những gì đã gây ra”, chị Hương chia sẻ.
Căn nhà lụp xụp của gia đình chị Hương.
Bi kịch xuất phát từ cái nghèo
Bồi hồi nhớ về quá khứ, chị Hương buồn bã cho biết cuộc hôn nhân của mình vốn đã trải qua nhiều trắc trở. Khi mới yêu anh Điệp, chị từng bị gia đình phản đối kịch liệt vì hai người không “môn đăng, hộ đối”. Trong khi chị Hương là con một gia đình giàu có thì anh Điệp chỉ có hai bàn tay trắng. Để đến với anh, chị Hương chấp nhận bị cha mẹ từ mặt. Sau khi cưới nhau, anh Điệp dẫn vợ từ Vĩnh Long về Đồng Tháp mưu sinh. Một thời gian sau, đôi vợ chồng trẻ lại dạt sang tận Campuchia. Nhưng ở nơi đất khách quê người không có công việc ổn định, những đứa con nối nhau ra đời, anh Điệp đành đưa gia đình về lại Đồng Tháp.
Ngồi cạnh bên vợ, anh Điệp (SN 1975) chia sẻ: “Khi ở Campuchia, tôi được các bạn giới thiệu đi lái máy gặt thuê. Để cải thiện kinh tế, tôi bàn với vợ thuê ruộng của người bản địa trồng lúa. Nhưng qua mấy vụ mất mùa, vợ chồng đã khó khăn lại phải gánh thêm nợ nần. Chán nản quá, tôi mới dắt díu vợ con về lại Đồng Tháp. Do không có đất đai, tôi phải đi làm thuê, còn Hương và cháu Muội đi bán vé số. Hôm biết chuyện hàng xóm qua đòi nợ 100 ngàn đồng, tôi cũng rất giận. Mẹ cháu vì kích động quá nên mới lỡ tay đốt con. Sau này nghĩ lại, tôi vừa thương vợ lại vừa trách bản thân. Giá như tôi lo được cho vợ, con như người ta thì chuyện này đã không xảy ra”.
Nửa ngày ngồi tâm sự với gia đình, chúng tôi không khỏi thương cảm khi nhìn thấy khuôn mặt Muội bị lửa làm biến dạng. 2 năm qua, em mang nỗi mặc cảm bản thân nên ít khi dám đi đâu. Nhưng rất may, cô bé không hờn trách mẹ mà còn chủ động gánh vác mọi công việc gia đình trong thời gian chị Hương đi tù. “Mọi chuyện giờ đã qua. Sau khi mẹ ở tù về, em mới biết mẹ đã ân hận, đau khổ quá nhiều. Gia đình em bây giờ hạnh phúc trở lại rồi. Dù nghèo nhưng cha mẹ, con cái thương nhau. Em chỉ mong cha mẹ cất được căn nhà khang trang thì không còn niềm vui nào bằng nữa”, Muội thổ lộ.
Qua tìm hiểu của người viết, gia đình anh Điệp thuộc diện khó khăn nhất nhì tại địa phương. Nhiều năm qua, các thành viên trong gia đình sống tạm bợ trong căn chòi nhỏ xiêu vẹo. Nguồn thu chính của gia đình trông chờ vào khoản tiền công ít ỏi anh Điệp đi nuôi cá thuê. Bởi vậy không tính đến bé Muội, đứa con thứ hai của anh chị cũng đứng trước nguy cơ thất học. “Mùa mưa năm nay, căn chòi bị dột tứ tung mà không kiếm đâu ra tiền sửa. Tôi chỉ mong thời gian tới sẽ kiếm được việc gì ổn định phụ giúp chồng, để đàn con được học hành tử tế. Bi kịch vì cái nghèo của cha mẹ chúng không thể lặp lại được”, chị Hương buồn bã cho biết.
Theo nguồn đăng:eva.vn