Ba tháng đầu: Lịch những việc cần làm

Khám thai theo đúng lịch trình sẽ giúp đảm bảo thai nhi đang phát triển tốt và tránh những rủi ro có thể xảy ra.
3 tháng đầu có thể coi là giai đoạn quan trọng nhất trong thai kỳ bởi thời gian này cơ thể mẹ đang “bỡ ngỡ” tiếp nhận sự có mặt của thai nhi. Những triệu chứng phổ biến nhất mẹ có thể gặp phải là ốm nghén, mệt mỏi… Đây lại là thời gian vô cùng quan trọng với thai nhi vì các cơ quan chính của bé đang được hình thành và phát triển… Vì vậy việc khám thai làm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa là rất cần thiết giúp đảm bảo thai nhi đang phát triển tốt và tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Những xét nghiệm cần thiết trong 3 tháng đầu thai kỳ
Test thử thai tại nhà
Việc làm này vô cùng đơn giản, mẹ chỉ cần ra hiệu thuốc, mua 1-2 hộp que thử thai và về nhà thử với nước tiểu. Mẹ cần chú ý xem hạn sử dụng của sản phẩm và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Thời điểm thử nước tiểu đạt hiệu quả chính xác nhất là buổi sáng sau khi ngủ dậy.
Chị em cũng nên chờ sau khi trễ kinh nguyệt 1 tuần hãy thử. Cách thử thai này tiện lợi nhưng có thể cho kết quả âm tính giả. Nếu kết quả âm tính thì nên đợi 1 tuần sau thử lại, nếu lần này vẫn âm tính thì nên đến bệnh viện để thử hCG trong máu sẽ cho kết quả chính xác hơn.

Mẹ nên chờ 1 tuần sau khi chậm kinh nguyệt mới nên thử thai. (ảnh minh họa)
Siêu âm thai
Sau khi test que thử thai đã lên 2 vạch, mẹ nên dành thời gian đến khám tại các trung tâm sinh sản hoặc bệnh viện. Việc khám thai này nên được thực hiện sau khi trễ kinh 2 tuần. Tại đây, chị em sẽ được siêu âm thai để xác định đã có tim thai chưa (thông thường khi mang thai khoảng 6-8 tuần mới có tim thai), thai trong hay ngoài tử cung, có mấy thai, xác định tuổi thai để ghi nhận ngày dự sinh, tìm những bất thường của tử cung và 2 buồng trứng nếu có.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giai đoạn đầu thai kỳ tuy chưa thực sự cần thiết nhưng vẫn nên thực hiện để xác định nhóm máu, công thức máu. Ngoài ra cần xét nghiệm đường huyết, tổng phân tích nước tiểu và xét nghiệm phát hiện các bệnh lây nhiễm như rubella, giang mai, HIV, viêm gan siêu vi B để có biện pháp can thiệp can thiệp, dự phòng kịp thời.
Đo độ mờ da gáy
Đo độ mờ da gáy được thực hiện trong quá trình siêu âm thai từ tuần 11,5-13,5. Siêu âm đo độ mờ da gáy kết hợp với xét nghiệm sinh hóa máu mẹ để tính nguy cơ thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể cao hay thấp. Từ đó sẽ quyết định có cần làm thêm xét nghiệm nước ối hay không. Siêu âm đo độ mờ da gáy là siêu âm rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện sớm những bất thường của thai nhi.
Nếu kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy có bất cứ bất thường nào, bác sĩ có thể sẽ chỉ định mẹ phải thực hiện xét nghiệm máu triple test để xác định chính xác nguy cơ với thai nhi. Xét nghiệm tầm soát trước sinh Triple test là loại xét nghiệm tầm soát sử dụng máu mẹ để tìm hiểu nguy cơ một số rối loạn bẩm sinh ở thai. Triple test có thể thực hiện khi thai 15 – 20 tuần. Tuy nhiên, kết quả chính xác nhất khi thai 16 – 18 tuần. Tất cả phụ nữ mang thai đều nên được thực hiện xét nghiệm này. Đặc biệt những thai phụ sau đây rất cần được xét nghiệm:
- Tiền sử gia đình có dị tật bẩm sinh
- Trên 35 tuổi
- Có sử dụng thuốc hoặc các chất có thể gây hại cho thai
- Bệnh tiểu đường và có sử dụng insulin
- Bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai
- Có tiếp xúc với phóng xạ liều lượng cao
Ba tháng đầu: Lịch những việc cần làm - 2
Khám thai theo đúng lịch trình sẽ giúp đảm bảo thai nhi đang phát triển tốt và tránh những rủi ro có thể xảy ra. (ảnh minh họa)
Việc mẹ nên làm
Những triệu chứng mẹ thường gặp phải khi mang thai những tháng đầu thai kỳ là mệt mỏi, buồn nôn, ốm nghén… Mẹ sẽ cảm thấy khó ăn uống và muốn nghỉ ngơi nhiều hơn. Để hạn chế những “tác dụng phụ” này, chị em nên:
- Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và chú ý đến những thực phẩm chống nghén như bánh quy giòn, trà gừng…
- Uống đủ 2-2,5 lit nước mỗi ngày
- Bổ sung viên sắt, bổ sung thêm vitamin B6, acid folic theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Tập thể dục nhẹ nhàng từ 20-30 phút mỗi ngày với những bài tập yoga, đi bộ, bơi lội…
- Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đỏ 8 giờ/ngày và tranh thủ 30 phút – 1 giờ nghỉ trưa.
- Không đứng, ngồi quá lâu một chỗ mà nên đứng lên vận động nhẹ nhàng.
Việc mẹ nên tránh
- Hạn chế tối đa những đồ uống có chất kích thích như cà phê, trà đặc, rượu, bia…
- Không nên thức quá khuya.
- Không tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào đặc biệt là thuốc kháng sinh.
- Không nên đi giầy cao gót vì có thể khiến mẹ bầu bị ngã, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi.
Share on Google Plus

Hãy Cho Chúng tôi Biết Về Cảm Nhận Của Bạn!