VÀI KỶ NIỆM SÂU SẮC VỚI THÀY PHẠM MẠNH HÙNG



2- Người biến Toán thành thơ

Sau buổi ngoại khóa Toán học đày ấn tượng đó những lớp như lớp tôi mới biết đến thày Hùng. Tuy nhiên, do thày không dạy lớp tôi nên cả lớp cũng không mấy khi được gần thày. Riêng tôi và Bình “cá sấu” thì may mắn hơn bọn chúng là được gặp và trực tiếp học thày mỗi tuần 01 buổi vì bọn tôi ở trong đội tuyển Toán của nhà trường. Là học trò, chúng tôi không dám so sánh giữa các thày giáo song việc được học trực tiếp thày Hùng làm chúng tôi được mở mang đầu óc ra nhiều. Lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận với nhiều khái niệm mới, nhiều dạng toán mới cũng như những phương pháp đa dạng khác nhau để giải cùng một bài toán… Nói cho công bằng, thày giảng về một môn khó nhằn, gai góc như Toán song thật nhẹ nhàng và bằng thứ ngôn ngữ vô cùng giản dị, dễ hiểu với những ví dụ rất gần gũi và sinh động. Vì vậy, thày càng ngày càng chiếm được nhiều hơn cảm tình của chúng tôi.

 Và cái cảm tình đó ngày càng lớn khi nhà trường cho dựng hai “tờ” báo bảng dành cho 2 môn quan trọng nhất là Toán và Văn ở sân trường. Cũng không biết gọi cho chính xác là gì nên tôi vẫn dùng từ “tờ” nhưng cho vào ngoặc kép vì về vật liệu thì đó là 2 tấm bảng gỗ mà thôi. Tờ văn do thày Tuân phụ trách, còn tờ Toán thì do thày Hùng. Cho đến giờ tôi không biết đó là sáng kiến của chính các thày cô Trường cấp 3 Chí Linh hay do các thày cô học tập ở nơi khác mang về. Nhưng dù đó là bản quyền của ai thì 2 tờ báo ấy cũng có một tác dụng rất lớn đối với thế hệ học sinh ngày ấy. Nó không chỉ cung cấp, bồi dưỡng kiến thức mà còn khơi dạy lòng ham học và khích lệ những ước mơ, hoài bão trong những trái tim non trẻ và bồng bột của chúng tôi. Hàng ngày, 2 tờ báo đều có cái mới về nội dung và cứ đầu giờ học hay giờ giải lao là học sinh lại xúm đông, xúm đỏ trước 2 tờ báo đó để nghiền ngẫm và trao đổi. Cả 2 tờ đều rất hay, rất bổ ích song tờ Toán có vẻ có sức hấp dẫn hơn một chút vì một lý do hết sức ngoài lề: đó là chữ viết quá đẹp và lạ nữa.

Nói về viết chữ trên bảng tôi cho rằng khó có người theo kịp thày Hùng. Chữ thày viết không chỉ đều tăm tắp như lấy từ khuôn ra mà còn tuân thủ rất nghiêm ngặt quy tắc “thanh, đậm” như viết chính tả bằng bút “dông”. Điều này là cực khó vì viên phấn khác hẳn so với cái ngòi bút lá tre. Vậy mà thày làm được mới tài chứ. Còn chữ in hoa thì thày hay viết một kiểu chữ rất lạ mắt. Thật tình là đến lúc có tờ báo bảng Toán tôi mới nhìn thấy kiểu chữ này lần đầu tiên. Ngay lập tức, tôi, thằng Mơ và một lô một lốc học sinh bắt chước thày nhưng có lẽ thằng Mơ là thành công hơn cả. Sau này, tôi cũng có mấy năm đứng trên bục giảng song không thể viết được như thày.

Kiểu chữ in hoa thày Hùng hay dùng. NKN bắt chước chưa đạt lắm.

Với những gì cảm nhận được qua những giờ học và qua tờ báo bảng, tôi đã hơn một lần nhận định: Thày Hùng chính là người đã biến Toán thành thơ. Và chắc không phải chỉ mình tôi nghĩ vậy.
Share on Google Plus

Hãy Cho Chúng tôi Biết Về Cảm Nhận Của Bạn!