Bài 22
Quỷ Môn
鬼門道中 | Quỷ Môn (1) đạo trung |
鬼門石徑出雲根 | Quỷ môn thạch kính xuất vân côn (căn) |
征客南歸欲斷魂 | Chinh khách nam quy dục đoạn hồn |
樹樹東風吹送馬 | Thụ thụ đông phong xuy tống mã |
山山落月夜啼猿 | Sơn sơn lạc nguyệt dạ đề vôn (viên) |
中旬老態逢人懶 | Trung tuần lão thái (2) phùng nhân lãn |
一路寒威仗酒溫 | Nhất lộ hàn uy trượng tửu ôn |
山塢何家大貪睡 | Sơn ổ hà gia đại tham thụy |
日高猶自掩柴門 | Nhật cao do tự yểm sài môn |
Dịch nghĩa: Trên đường qua Quỷ Môn Quan
Đường đá ở Quỷ Môn từ chân mây mà ra
Hành khách về nam buồn muốn đứt tâm hồn
Gió đông qua những hàng cây, thổi vào ngựa đưa tiễn
Trăng lặn xuống sau dãy núi, đêm vượn kêu
Tuổi mới trung tuần mà đã có vẻ già, lười gặp người (vì ngại việc thù tiếp)
Suốt con đường giá lạnh, nhờ rượu được hơi ấm
Trong xóm núi, nhà ai ham ngủ quá
Mặt trời đã lên cao mà cửa củi còn đóng kín.
Dịch thơ: Trên đường qua Quỷ Môn Quan
Đường đá Quỷ Môn mọc tự mây
Về nam hành khách muốn hồn bay
Hàng cây nổi gió ngựa đưa tiễn
Dãy núi trăng nghiêng vượn hót bầy
Tuổi mới trung tuần chào khách ngại
Dọc con đường rét ấm men cay
Nhà ai xóm núi ham mê ngủ
Nắng đã lên cao cửa vẫn cài ?
Đỗ Đình Tuân
(dịch thơ)
Chú thích:
(1) Quỷ Môn Quan: Ở phía nam xã Chi Lăng. Đường hẹp, núi dốc, hình thế hiểm trở.
Có núi trông như đầu quỷ, ải do đó mà mệnh danh. Người xưa có câu: “Quỷ Môn Quan! Quỷ Môn Quan!, Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn!" (Ải Quỷ Môn! Ải Quỷ Môn! Mười người đi, một người về!”).
(2) Trung tuần: Tiên Điền làm bài này lúc lên trấn Nam Quan nghênh tiếp sứ Tàu sang phong sắc cho vua Gia Long, xong sứ mệnh trở về kinh. Năm ấy là năm Giáp Tí (1804), tác giả mới 40 tuổi nhưng đầu đã bạc trắng (đầu cụ bạc từ lúc lánh nạn ở Quỳnh Côi).
(1) Quỷ Môn Quan: Ở phía nam xã Chi Lăng. Đường hẹp, núi dốc, hình thế hiểm trở.
Có núi trông như đầu quỷ, ải do đó mà mệnh danh. Người xưa có câu: “Quỷ Môn Quan! Quỷ Môn Quan!, Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn!" (Ải Quỷ Môn! Ải Quỷ Môn! Mười người đi, một người về!”).
(2) Trung tuần: Tiên Điền làm bài này lúc lên trấn Nam Quan nghênh tiếp sứ Tàu sang phong sắc cho vua Gia Long, xong sứ mệnh trở về kinh. Năm ấy là năm Giáp Tí (1804), tác giả mới 40 tuổi nhưng đầu đã bạc trắng (đầu cụ bạc từ lúc lánh nạn ở Quỳnh Côi).
13/5/2014
Đỗ Đình Tuân