Ông ngoại và cháu Thái Anh |
Mỗi lần cắn miếng ớt, vị cay xộc lên, xuýt xoa và sảng khoái. Nhưng thật lạ, dạo này thì, vị cay làm sặc. Thế là hắt hơi. Thế là nào cơm, nào rau, nào nước và vị cay nồng… lên hết trên mũi nằm. Vừa nghẹn, vừa cay, vừa tức với chính mình.
Có lẽ tuổi tác làm cho các bộ phận của cơ thể trở nên quá mẫn cảm, hay là quá yếu ớt nhỉ? Bất kỳ có một dị vật gì, dù rất nhỏ bé cũng làm cho cơ thể có những phản ứng dữ dội hơn. Mỗi lần sặc như vậy, cay thì ít mà xót thì nhiều. Nhớ Ba quá. Những ngày ấy, ba cũng ở độ tuổi này, 55-60. Vốn là dân ghiền ớt mà, không có chút ớt ăn không thấy ngon, vậy nên khi nấu nướng, nó quen cho ớt, rất cay nữa. Từ lâu, khẩu vị của cả nhà là vậy. Nhưng rồi, một hôm ba bảo: Cho ít ớt thôi, ba sặc đấy. Nó giảm dần ớt. Nhưng ba vẫn sặc, các lần sặc cứ dày lên, có lúc nó cũng nổi cáu với ba. Dần dần, vị ớt không còn khi nấu canh, chỉ có rất ít trong món cá kho để bớt tanh. Ba không bảo dằm ớt vào mắm lúc nào nó cũng không để ý, nhưng đôi khi nhớ lại chuyện ba sặc ớt ngày ấy, nó vẫn thắc mắc và cả ấm ức vì nghĩ mình bị mắng oan.
Giờ đây, mỗi lần cắn miếng ớt, nó khắc khoải nhớ cảnh ba bị sặc. Nó cũng bị sặc, cay xè nước mắt. Nhưng không phải tại ớt.