Diễn chèo sân đình làng Kim Liên
“Chiềng làng chiềng chạ, Thượng hạ Tây Đông, Con gái phú ông, Tên là Mầu Thị, Tâm tình ngoại ý, Mãn nguyệt có thai, Mời già trẻ gái trai ra đình mà ăn khoán”… Tiếng loa gọi của chiếu chèo thúc giục dân làng Kim Liên kéo nhau ra đình xem chèo đông như đi hội.Lâu rồi đình Kim Liên (phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội), một trong bốn công trình tôn giáo tín ngưỡng nổi tiếng của Hà Nội được mệnh danh là “Thăng Long tứ trấn”, mới có sự kiện đông vui như thế. Thì ra, đêm nay đình làng Kim Liên có chương trình hát chèo do Nhà hát chèo Việt Nam về biểu diễn phục vụ dân làng.
Hòa vào dòng người ra đình xem hát chèo, tôi gặp cụ bà Phạm Thị Năm đã ngoài 70 tuổi. Cụ hồ hởi cho biết: “Ngày xưa, sân đình làng Kim Liên chúng tôi thường xuyên có những buổi diễn hát chèo do đội chèo của làng hay các gánh chèo từ nơi khác đến diễn, nhưng lâu rồi không thấy có. Hôm nay nghe tiếng loa gọi ngoài đình, dân làng chúng tôi vui lắm, như được sống lại không khí của ngày xưa!”.
Bảy giờ tối, sân đình làng Kim Liên đã chật cứng khán giả ngồi khoanh chân trên chiếu cói đỏ. Tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng sáo, tiếng đàn nhị, đàn bầu… réo rắt như át đi những âm thanh ồn ào của phố thị. Chèo được coi là loại hình sân khấu thuần Việt nhất, bởi nó gắn bó hòa quyện với cuộc sống lao động, sinh hoạt của nguời Việt một cách dung dị và mộc mạc.
Nhiều trích đoạn nổi tiếng của chèo cổ được trình diễn tại buổi diễn.
Nghệ sỹ Bảo Quỳnh (Nhà hát Chèo Việt Nam) trong trích đoạn "Thị Mầu lên chùa".
Chiếu chèo sôi động trước sự diễn xuất xuất thần của các nghệ sỹ.
Các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt Nam diễn xuất trên chiếu chèo sân đình.
Các nhạc công của chương trình “Tiếng vọng ngàn năm”.
Khán giả giao lưu với các nghệ sĩ chèo của Nhà hát chèo Việt Nam.
Đêm chèo diễn ra, từng nhân vật như Xúy Vân, Thị Kính, Thị Mầu, Mẹ Đốp hay anh hề hầu quan… trong các tích chèo cổ Xúy Vân giả dại, Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ…. lần lượt từ phía sau cánh gà cổng đình bước ra sân đình trong sự trầm trồ hưởng ứng reo hò của khán giả. Khán giả như hòa chung cái lúng liếng đưa tình của cô Thị Mầu, thấy tim nhói đau khi chứng kiến cảnh Thị Kính bị bà Sùng đổ oan, dở khóc dở cười với cảnh cả làng phạt vạ nàng Mầu lẳng lơ nhưng trái ngang mang lòng yêu tiểu Kính… Tích trò trong chèo dù xưa hay nay vẫn luôn là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Mà ở đó cái thiện, cái đẹp luôn chiến thắng, tỏa sáng và cảm hóa cái xấu, cái ác. Người dân làng Kim Liên hôm ấy như thấy được ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, công bằng, ấm no và viên mãn.
Xen kẽ những màn diễn xướng chèo là màn giao lưu giữa các nghệ sỹ Nhà hát chèo Việt Nam với khán giả. Nhiều bạn trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật chèo đã được các nghệ sỹ Nhà hát chèo Việt Nam hướng dẫn cách nhập các vai Thị Mầu, Thị Kính, anh hề… Tiến sỹ Trần Đình Ngôn, người được mệnh danh là “vua chèo” đất Bắc đã giới thiệu với khán giả về lịch sử chèo, không gian văn hóa chèo xưa, giá trị về nội dung trong chèo và những vở diễn, trích đoạn tiêu biểu, phổ biến.
Chứng kiến không khí sôi động của chiếu chèo sân đình làng Kim Liên, tiến sỹ Trần Đình Ngôn xúc động: “Với những người tâm huyết giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật chèo như chúng tôi, sự nhiệt tình của dân làng Kim Liên là một món quà vô cùng ý nghĩa. Qua chiếu chèo này chúng tôi nhận ra rằng, nghệ thuật hát chèo có một sức sống trường tồn trong tâm thức người Việt”.
Sau thành công của chiếu chèo sân đình Kim Liên, Nhà hát chèo Việt Nam sẽ tăng cường những chuyến lưu diễn ở các sân đình để quy tụ khán giả và làm sống lại một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến./.