Trong giới quần đùi áo số của Việt Nam thì chỉ Lê Công Vinh được sang Nhật Bản thi đấu theo dạng xuất khẩu cầu thủ. Trong 4 tháng ngắn ngủi thi đấu trong màu áo CLB Sapporo, Công Vinh đã có những cảm nhận riêng về nền bóng đá Nhật Bản – mô hình tiên tiến nhất của bóng đá châu Á đáng để Việt Nam học tập. Vì vậy khi tân chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nêu lên ý tưởng “hợp tác” với Nhật Bản trên phương diện thuê HLV trưởng ĐTQG trong thời gian tới thì tiền đạo SLNA cho rằng định hướng trên của VFF có thể sẽ thành công.
“Tôi nghĩ là thành công vì bóng đá Nhật Bản đã từng thành công với 1 HLV người bản địa, và bây giờ các đội bóng giải nhà nghề Nhật Bản đều sử dụng HLV người Nhật Bản. Nhật Bản đã là nền bóng đá số 1 ở châu Á. Họ thành công từ trên cương vị các đội tuyển trẻ đến việc dự Word Cup. Vì thế ý tưởng dùng HLV người Nhật sẽ tốt cho bóng đá Việt Nam”.
Ngoài ra, trong thời gian thi đấu tại Nhật Bản chính Công Vinh được trải nghiệm đầy đủ các phương án huấn luyện, chiến thuật thi đấu từ trong đội bóng Sapporo ở giải hạng nhì Nhật Bản. Việc đó đủ để Công Vinh tìm hiểu được nguyên nhân thành công để bóng đá Nhật Bản trở thành số 1 châu Á hiện nay. Theo anh, đó là từ chính sách quan tâm đặc biệt của ngành TDTT khi chú trọng phát triển cả hệ thống nhưng phải dựa trên đặc điểm con người bản địa, như lối chơi kỹ thuật, phối hợp nhỏ.
Công Vinh nhận xét: “Tôi nghĩ để thành công được như hiện nay thì họ đã phải bước đầu cũng phải đi học hỏi ở các nền bóng đá khác tiên tiến hơn. Họ có chọn lựa nền bóng đá mạnh nhưng phải phù hợp với thể hình, con người của Nhật Bản. Bây giờ nền bóng đá Nhật mạnh đứng đầu châu Á, nhưng họ vẫn không quên tiêu chí phát triển dựa trên nền tảng người Nhật đó là lối chơi nhỏ, kỹ thuật.
Công Vinh (trái) ký tặng fan hâm mộ nhí |
Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc thuê ngoại binh về thi đấu giải vô địch quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề thuê ai, thuê cầu thủ như thế nào đã được Liên đoàn bóng đá Nhật Bản chú trọng, khi họ chỉ thuê những cầu thủ gốc Brazil, Argentina, các nước Nam Mỹ khác, hoặc châu Á vốn nổi tiếng là giỏi kỹ thuật và hạn chế thuê ngoại binh các nước châu Âu. Đặc biệt, họ không thuê nhiều ngoại binh gốc Phi vì lý do là những cầu thủ này không làm tiến bộ cho bóng đá Nhật Bản. Điều này khác hẳn với những ngoại binh đang thi đấu ở giải chuyên nghiệp Việt Nam.
Là một trong những ngoại binh được thuê về thi đấu ở giải hạng Nhì Nhật Bản, Công Vinh đã cho biết: “Tôi nghĩ rằng các CLB Nhật Bản đã xác định ngay vấn đề từ việc học hỏi thông qua việc thuê cầu thủ ngoại. Vì thế gần như tất cả các câu lạc bộ đều xác định thuê các cầu thủ có chất lượng kỹ thuật tốt, chủ yếu như ở các nước Nam Mỹ, ngoài ra còn có một số cầu thủ gốc châu Á. Họ rất hạn chế thuê các cầu thủ ngoại có quốc tịch châu Âu.
Quan điểm của họ là người Nhật không phù hợp với lối đá của các cầu thủ châu Âu khi thể lực, thể hình khác biệt như vậy. Đặc biệt các CLB Nhật Bản không thuê các cầu thủ châu Phi vì Nhật Bản cho rằng họ không học hỏi lối đá, kinh nghiệm được gì từ những cầu thủ người châu Phi vì không phù hợp với lối đá nhỏ. Gần như các CLB ở Nhật Bản đến các cấp độ các đội tuyển đều tuân thủ đá theo chiến thuật 4-2-3-1. Vì thế khi tiếp cận với nền bóng đá lớn khác họ không bỡ ngỡ vì họ là một tập thể thống nhất để phát huy được thể mạnh của mình.
Mặc dù CLB Nhật Bản đều thuê cầu thủ ngoại nhưng trong thi đấu họ không phụ thuộc vào cầu thủ ngoại. Rất nhiều cầu thủ ngoại, họ bỏ ra rất nhiều tiền để thuê, nhưng nếu không phù hợp với lối đá đó họ sẵn sàng cho đá dự bị. Điều này khác với Việt Nam khi các CLB chuyên nghiệp chủ yếu thuê các cầu thủ ngoại gốc châu Phi để tận dụng sự to khỏe, càn lướt tỳ đè để ghi bàn, và rất nhiều CLB hoàn toàn phụ thuộc vào ngoại binh nên không thể xây dựng được lối đá bản sắc riêng của CLB theo đúng thể trạng, thể hình của người Việt Nam”
Tới đây, đội tuyển Việt Nam dự kiến sẽ có HLV trưởng mới có thể đến từ Nhật Bản - nền bóng đá số 1 châu Á. Thành công hay thất bại, chỉ tương lai mới trả lời chính xác cho sự lựa chọn của VFF nhưng những gì mà các nhà làm bóng đá ở xứ sở mặt trời mọc đã và đang làm thì các cơ quan chức năng ở Việt Nam đáng học hỏi.
Theo Trọng Nguyên