Chèo Khuốc Thái Bình
Khuốc là tên Nôm của làng Cổ Khúc. Theo các nghệ nhân Phạm Văn Điền, Cao Kim Trạch, Hà Quang Bổng ở cuối thế kỷ XIX, làng Khuốc có phường chèo của ông Trùm Điều. Phường có các Kép Kiều, Chỉnh, Huy, Duyệt, Khoát… và mấy ông kéo nhị, thổi sáo, đánh trống, gõ thanh la mà hát trò Trương Viên, trò Lưu Bình Dương Lễ được bà con rất khen.
Nhưng phải đến phường hát của ông Thương biện Cao Kim Trác thì chèo Khuốc mới có điều kiện phát triển. Ông Trác từng đậu Nhị trường, vừa dạy chữ Hán vừa bốc thuốc, từng đóng vai thư sinh ở phường ông Trùm Điều. Khoảng năm 1860-1870, ông ra làm quan được thăng đến Thương biện, giúp Tống đốc lo việc thương vụ, thuế vụ. Sau khi về hưu quan, ông Trác xuất tiền lập gánh hát. Ông trọng dụng Kép Ngạn, người Y Đún nay thuộc xã Bình Lăng, huyện Hưng Hà. Kép Ngạn vốn đỗ Nhất trường, chuyên gánh đàn cho hát ả đào cũng gọi là hát ca trù. Ông Trác làm ba gian nhà riêng và tuyền chọn những thanh nữ có giọng hát hay trong làng, tập các bài hát cửa đình, cử người học đàn đáy, lập thêm phường nhà trò để hát các dịp lễ tiết ở làng và các xã lân cận. Là người hành nghề từng trải nên Kép Ngạn thuộc nhiều tích trò. Chính Kép Ngạn là người truyền trò Từ Thức nhập thiên nhai cho phường Khuốc. Kép Ngạn đưa các cô bên phường nhà sang tập múa chạy trái trong vở, cho nên trò Từ Thức đậm chất ả đào.
Được mấy năm, Kép Ngạn mất và sau đó ít năm, ông Trác cũng mất. Phường chèo Khuốc chuyển sang người cháu ông Trác là ông Tổng Bá.
Ông Tổng Bá tên thật là Cao Kim Thiên, nguyên là Chánh tổng được phong Bá hộ. Chèo Khuốc thời ông Tổng Bá cũng có những đổi khác. Khi có nơi nào mời thì phường đi hát, tiền hát thu được chia nhau theo mức: nhất, nhì, ba… Hồi này chèo Khuốc có thêm trò Tống Trân, học ở Hưng Yên về. Vì đi hát nhiều nơi nên quần áo, đạo cụ phải xếp gọn trong đôi gánh, vì thế có tên Gánh chèo Khuốc. Tuy từ phường sang gánh, nhưng trong giấy tờ, chính quyền Pháp bắt khai đăng ký vẫn phải ghi là Hội chèo.
Vào thời điểm này, tiếng vang của tuồng đã dội về các thôn quê Bắc Bộ; Một số người trong gánh của ông Tổng Bá muốn sang học tuồng. Ông Tổng Bá cho người lên Hà Nội, mời rước hai nghệ nhân Năm Kinh và Sáu Thỏ. Đây là những nghệ nhân tuồng kinh ở Huế theo đội tuồng Hoàng Cao Khải ra Hà Nội hát từ lâu, nay có tuổi thì nghỉ hát và về Khuốc truyền nghề. Nghe nói, nghệ nhân Năm Kinh từng là kép hát diễn cho vua Thành Thái (1889-1907) xem. Lúc ấy, dù đã lòa nhưng từ câu hát đến điệu bộ làm mẫu vẫn hoàn chỉnh. Nhờ thế mà ba năm sau, gánh Guốc có thêm hồi một, hồi hai rồi ba trọn vở tuồng Sơn hậu. Từ đấy, gánh Khuốc có thêm tuồng, nhưng về sau vẫn diễn chèo là chính.
Mấy năm đầu thế kỷ XX, làng Khuốc có ông Huyện Đoàn, một võ quan về hưu đứng ra lập gánh hát làm thú vui thanh nhàn. Vì thế, bà con gọi gánh của Tổng Bá là Gánh Khuốc lớn hay Hội Nhất, gánh của ông Huyện Đoàn là Gánh Khuốc con hay Hội Nhì. Đến hội làng thì gộp cả hai gánh lại, hát trổ tài cho làng xem. Kép Đối của Hội Nhì được tín nhiệm giao phụ trách cả đêm diễn như một “đầu trò”.
Kép Đối tên thật là Vũ Đình Đối, con ông đồ. Vì thế mà ông rất khá về chữ Hán, chữ Nôm, lại hát hay, thuộc nhiều làn điệu hát, đóng vai thư sinh rất khéo, nhờ tài tổ chức của kép, gánh Khuốc con đi hát liên miên sang cả Hải Dương, Kiến An… có lần lên hát ở cả Hà Nội, ông đã hướng dẫn anh em Sán Nhiên Đài học mấy điệu hát lạ. Hàng chục năm gánh Khuốc con có nhiều trò mới cho như Phan Trần, Quang A, Mẫu Thoải, Hán Sở… gây được nhiều tiếng vang trong tỉnh và mấy tỉnh lân cận. Kép Đối được bà con và anh em trong nghề quý mến gọi tên thân mật là Ba Đối. Từ nơi đào tạo, nuôi dưỡng này đã hình thành được những tài năng trẻ khi ấy như Kép Điền (Phạm Văn Điền), Đào Nai (Phạm Thị Nai) đều là hai con ông Thi, Kép Trạch (Cao Kim Trạch), Kép Phụ (Vũ Văn Phụ).
Năm 1918, Tổng Bá mất, chuyển gánh Khuốc lớn sang tay ông Cửu Cả. Ông Cửu Cả tên thật là Đăng Văn Phổ, trưởng họ làm Lý trưởng, về nghỉ được hàm cửu phẩm, mấy năm ấy, ông muốn củng cố gánh hát nên cho đón lão nghệ nhân tuồng Huế là Năm Úc về dậy mọi người tập vở tuồng Đào Phi Phụng. Nhưng anh em học thiếu nhiệt tình nên đành nhường bước cho gánh Khuốc con tung hoành đây đó.
Năm Tân Dậu (1921), sáu anh em họ Cao là Cao Kim Chung (anh cả) cùng các anh em là Cao Kim Thêm, Cao Kim Bôi, Cao Kim Thơ, Cao Kim Mẫn và Cao Thị Thư đứng ra lập gánh hát, gọi là gánh hát ông Thung. Noi gương Thương Trác (ông nội), ông Tổng Thuyên (cha), lập gánh để hát mấy vở cũ của gánh Khuốc lớn, nhưng cũng chỉ hát trong độ xuân về ở làng xóm. Được mấy năm, ông Thung mất, thọ 72 tuổi, gánh thôi hoạt động .
Năm Bính Dần (1926), sau trận lụt, làng Khuốc xuất hiện gánh hát mới của ông Kép Mục. Ông là người khoan hòa, đi thi hai lần chỉ đỗ tú tài. Ông Mục theo chân ông Huy đóng vai Trương Mẫu, Tống Mẫu giống như lột và đóng mụ Sùng rất giỏi. Gánh hát lôi kéo được nhiều ông bà từng sắm vai ở gánh Khuốc lớn . Gánh ông Mục làm ăn theo kiểu kiểu phường, hội, chia lương theo hai bậc nhất , nhì; tập hát cả tuồng và chèo, đi hát ở xa là chính có khi lên cả Bắc Ninh, Bắc Giang… Năm 1939, gánh ông Kép Mục lên Lạng Sơn, sang cả Cao Bằng và hát tại rạp của thị xã tới cả tháng. Năm 1941, gánh hát có thêm các Kép Điền, Trạch, Phụ, ca, Đào na và cây nhị tài hoa Hà Quang Bổng, lên hát còn học thêm Nhị độ mai hai hồi của Sán Thiên Đài, một trận cười của Nguyền Đình Nghị và tuồng Võ Tòng đả hổ, Võ Tòng sát tẩu, do Kép Trạch khi làm cho Nghị Lập ban học được, nhưng gánh cũng hoạt động đến năm 1945 thì ngừng.
Năm 1929, làng Khuốc xuất hiện thêm gánh hát ông Khóa Thi, tức Phạm Văn Thi con trưởng ông Nhì Luận tức Phạm Văn Luận cùng 5 em trai từng tham gia gánh Khuốc lớn và đều thiên về hát tuồng. Gánh có các vở diễn: Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Hán Sở tranh hùng, Chinh đông,Chinh tây, Võ Tòng… có các kép: Phòng, Phùng, Thoan, Thi, Nhương, Khuê, Vịnh, Phu và hai kép đàn là Hà Quang Bổng và Cao Kỳ Dương. Gánh này còn sắm được bộ trang phục hàng Tầu khá lộng lẫy.Bản thân ông Khóa Thi thì đóng được vai Phượng Cơ, Đại Tẩu, nhất là vai Điêu Thuyền rất hay.
Năm 1930, ông Xã Lục tức Trần Đình Lục đứng ra lập gánh hát và công khai nói rằng chỉ hát chèo. Gánh này do con cháu họ Trần tập hợp lại để diễn chúc Tết mà không đòi hỏi làng phải trả công và chiêu đãi gì. Với lòng hào hiệp ấy, các xã lân cận Niềm nở đón mời, nhưng cũng chỉ hoạt động đến năm 1943 thì dừng.
Năm 1932, làng Khuốc lại xuất hiện gánh hát mới, cũng công bố là chỉ hát chèo; đó là gánh hát của ông Hà Quang Ân, Chánh tổng Cao Mỗ, người đề xướng lập chợ Khuốc. Năm 1926, ông đứng đầu đỡ đầu gánh hát ông Kép Mục. Do không hợp lý, ông đứng ra lập gánh hát riêng, dàn tập vở Lưu Bình Dương Lễ vàChu Mãi Thần, bản thân cụ chánh cũng thủ một vai nữ. Gánh hát gồm các bác Xuyên, Hơn, Mô, Thỉnh, Chức, Chu và các cô Na, Như, Mận, Bé, Lan. Về trò diễn, gánh còn có Trương Viên, Từ Thức lấy vợ Tiên,Tống Trân Cúc Hoa… Gánh hoạt động được 10 năm thì tách làm hai. Một gánh của ông Phó Xuyên (Hà Quang Xuyên) là em ông Chánh Ân và gánh của ông Tư Mô tức Nguyễn Hữu Mô.
Ông Phó Xuyên là Phó Lý, nhà khá giả, biết chữ Hán, mê hát chèo và đã từng hát chèo ở gánh hát ông Chánh Ân. Ông có ý muốn đưa gánh hát làm ăn lớn hơn, song tình thế quá khó khăn nên gánh hát chỉ hát những vở chèo cũ, mỗi mùa hát mươi lăm buổi. Vì thế đến năm 1942, 1943 thì dừng hẳn.
Ông Tư Mô, từng hát mấy năm ở gánh hát ông Kép Mục, đóng vai hề theo thầy rất có duyên. Cụ có ý học cách làm của cụ Ba Đối bên Khuốc con và của cụ Kép Mục, đưa gánh đi hát ở những vùng xa xôi cho thỏa chí. Cụ nhờ người tìm trò mới, tuồng mới song không đủ điều kiện đáp ứng, gánh chỉ hát ở quanh vùng rồi đến năm 1944 thì nghỉ hẳn.
Những năm 1937 đến 1941 làng Khuốc, còn có những gánh chèo khác của ông Nhu, ông Viên, ông Đại, Ông Thỉnh. Vùng Khuốc khi ấy ở làng Tăng có hai gánh, làng Phạm hai gánh, làng Tuộc hai gánh, làng Ngói 1 gánh. Các bà ở Khuốc như Bà Chư, bà Chắt, tiếp đến bà Na, bà Điền, bà Trạch, bà Lới… là những nữ nghệ nhân đầu tiên bước vào chiếu chèo.
Nguồn tin: báo thái bình