Siêu lừa Huyền Như: Không nhớ, không biết, không trả lời

Đó là các điệp khúc được Huyền Như sử dụng trong phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo gần 4.000 tỉ vào sáng 10-1.
Khác với vẻ bình tĩnh khi khai nhận rành rọt, chi tiết trong phần xét hỏi dành cho HĐXX, Huyền Như lại tỏ ra vô cùng “nóng nảy” khi trả lời các luật sư.
“Thưa HĐXX, mỗi ngày bị cáo phải trả lời rất nhiều câu hỏi từ các luật sư mà cứ bắt bị cáo đứng nhớ thì không biết bị cáo có còn tinh thần để tham gia xét xử không nữa”- Huyền Như phân trần với HĐXX khi bị một vị luật sư “quay”.
Đặc biệt, luật sư Lưu Văn Tám (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngân hàng ACB) cũng vô cùng vất vả khi đặt ra hàng chục câu hỏi nhưng vẫn chỉ nhận được điệp khúc “không nhớ”, “không biết”, “không trả lời” từ bị cáo giữ vai trò đầu vụ và những câu trả lời như:
- “Quy trình và chính sách của ngân hàng VietinBank xin đừng hỏi bị cáo vì bây giờ bị cáo không còn nhớ”.
- “Xin phép không trả lời vì câu hỏi của luật sư không rõ ràng”.
- “Cái gì là quy định của ngân hàng thì mời luật sư xem quy định của ngân hàng, đừng có hỏi bị cáo ạ”.
- “Luật sư làm rối ý, bị cáo không trả lời được”.
Lý giải về việc mình trả lời “không nhớ”, “không biết”, Huyền Như cho rằng đã khai đầy đủ với HĐXX và CQĐT, bản thân cũng không còn là nhân viên ngân hàng một thời gian dài.
Trước đó, vào chiều ngày 9-1, bị cáo Huyền Như đã từng khóc nấc vì cho rằng luật sư Trương Thanh Đức (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Navibank) đã làm mất quyền lợi của mình khi đặt ra hàng loạt câu hỏi dồn dập mà không cho bị cáo có cơ hội trả lời.
Trước những câu trả lời của bị cáo, các vị luật sư cũng đành “bó tay”!
http://tanchau123.blogspot.com/
Huyền Như trong phiên tòa hôm nay (10/1)
Trong một diễn biến khác của phiên tòa, sáng 10-1, bị cáo Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, buôn bán) đã phủ nhận việc cho Huyền Như vay với lãi suất 0,4%/ngày. Bị cáo này khẳng định số tiền mình đưa cho Huyền Như vào năm 2008 là tiền hợp tác đầu tư chứng khoán, bất động sản với Như. Đến tháng 3-2009, Như có đề nghị Lý vay giúp một khoản tiền để trả nợ vì kinh doanh thua lỗ.
“Tôi đã rất nhiều lần yêu cầu Như chi trả các khoản đầu tư nhưng Như không có đủ khả năng và nhờ tôi giúp đỡ. Tôi cũng phải đi vay lại của người khác…”, bị cáo Lý nói.
Tương tự, bị cáo Phạm Văn Chí (SN 1977) khai nhận bản thân không có tiền, khi nghe bạn (tức Huyền Như – PV) cần tiền xoay sở nên đã cho Như mượn sổ đỏ căn nhà ở quận 7 mang đi thế chấp. Riêng lãi vay 0,2-0,3%/ngày là do Như tự hứa.
Ngoài ra, trong phiên tòa sáng nay, luật sư Lưu Văn Tám cho biết khi trả lời một báo mạng ngày 9-1-2014, ông Phạm Huy Hùng (Chủ Tịch HĐQT Ngân hàng Công Thương) cho rằng: “Tiền các cá nhân, doanh nghiệp gửi qua Huyền Như không hề được cập nhật vào hệ thống của VietinBank". Song song đó, luật sư đã trình bày hàng loạt chứng cứ chứng minh tiền gởi của ngân hàng ACB đứng tên 17 nhân viên của ngân hàng này đã được chuyển vào hệ thống của VietinBank.
Từ đó, luật sư tiếp tục đề nghị triệu tập ông Phạm Huy Hùng với lý do VietinBank không thể vô can trong vụ án lừa đảo hàng ngàn tỉ đồng của nhân viên mình như ông Hùng đã trả lời. Tuy nhiên, HĐXX nhận định việc trả lời của lãnh đạo VietinBank ngoài phiên tòa không phải là căn cứ để xem xét và đại diện VietinBank tham dự phiên tòa sẽ trả lời các câu hỏi của luật sư. Từ đó, HĐXX không chấp nhận đề nghị của luật sư Tám.
Chiều nay, phiên tòa vẫn tiếp tục với phần xét hỏi của các vị luật sư.
15 giờ, trước khi tuyên bố nghỉ giải lao, vị chủ tọa đã đồng ý cho phép Phạm Văn Chí được phép vắng mặt trong thời gian còn lại của buổi chiều vì mẹ bị cáo đang cấp cứu.
Theo Kha Miên
Share on Google Plus

Hãy Cho Chúng tôi Biết Về Cảm Nhận Của Bạn!