TS.BS. Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết gần như tháng nào bệnh viện cũng tiếp nhận các trường hợp bị nhiễm bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh. Gần đây nhất là bệnh nhân Nguyễn Văn T. (31 tuổi, ngụ Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 29/11 do ăn tiết canh lợn. Anh T. đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Sau khi điều trị tích cực, đến nay sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định. Trước đó một tuần, bệnh nhân Trần Văn X. (32 tuổi, ngụ Ba Đình, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc, tụt huyết áp. Bệnh nhân X. đi Ninh Bình công tác, ăn 2 bát tiết canh dê và nhập viện sau đó 4 ngày. Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực (bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), vào thời điểm cuối năm, người dân có thói quen mổ lợn và làm tiết canh ăn, số người nhập viện cũng nhiều hơn các tháng trong năm. Năm ngoái, trong thời gian nghỉ Tết, bệnh viện cũng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân do ăn tiết canh. Đến nay, tại bệnh viện nhiều bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn bị hoại tử phải cắt bỏ chân, tay thậm chí có bệnh nhân nặng đã tử vong. Hầu hết tất cả bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đều tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc ăn tiết canh lợn.
Bệnh nhân bị tổn thương tay do nhiễm liên cầu lợn. |
Trong tiết canh sống tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả lị, liên cầu khuẩn,… |
Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nếu nhập viện muộn có thể tử vong. |
Theo Khám phá