Xây dựng múa rối nước Nhân Hòa thành sản phẩm du lịch đặc trưng

Xây dựng múa rối nước Nhân Hòa 
thành sản phẩm du lịch đặc trưng

Sau gần 20 năm khôi phục, múa rối nước Nhân Hòa (huyện Vĩnh Bảo) đã  trở thành điểm đến, nét đặc sắc trong tuyến “du khảo đồng quê”. Tuy nhiên, hiện hoaạt động du lịch này vẫn mang tính mùa vụ, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.   
Xưa, múa rối Nhân Hòa chỉ diễn những tích trò cũ, con rối cũng đơn giản. Những năm gần đây, xã Nhân Hòa lập hẳn phường rối Nhân Mục gồm hàng chục người với bộ sưu tập con rối, trang thiết bị khá phục vụ bà con cùng du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Không chỉ dừng lại ở những tiết mục chú Tễu ở cửa đình đơm cá, bắt vịt, nay những người làm rối nước đã sáng tạo ra các tích trò mới như: vua Hùng kén rể, đánh cáo bắt vịt, cày bừa, tát nước, bơi chồng người, chọi trâu… Đến nay, phường rối sở hữu 100 con rối các loại và 15 tiết mục thường xuyên.
Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Viết Bính, cho biết, vào dịp đầu năm, thường xuyên có 1-2 đoàn khách du lịch nước ngoài đến thưởng thức múa rối nước tại đình Nhân Mục, xã Nhân Hòa. Vào dịp lễ hội đền Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khách du lịch trong và ngoài nước đến xem múa rối rất đông. Nhưng hết lễ hội, phường múa rối nước Nhân Hòa chỉ hoạt động theo kiểu mùa vụ.
Đông đảo du khách thưởng thức múa rối nước Nhân Hòa.
Đông đảo du khách thưởng thức múa rối nước Nhân Hòa.

Theo nghệ nhân Trần Văn Phước, Trưởng phường múa rối nước Nhân Mục, xã Nhân Hòa, từ lâu, lượng khách nước ngoài tới tham quan du lịch tại phường múa rối Nhân Mục đều do phường tự đứng ra tìm mối ở các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội để duy trì hoạt động. Hoạt động của tuyến du khảo đồng quê chưa thực sự hiệu qủa, lượng khách đến du lịch bằng tuyến ít. Do du khách nước ngoài đến tham quan du lịch ở Nhân Mục không thông qua tuyến du khảo đồng quê mà do các công ty du lịch lữ hành trên Hà Nội đặt vấn đề trực tiếp với phường múa rối nước Nhân Mục.
Mỗi buổi diễn, phường rối thu được 850 nghìn đồng, trừ chi phí thì mỗi người chỉ còn được 20-30 nghìn đồng. Một trong những khó khăn và vướng mắc đối với phường múa rối nước hiện nay là nhà thủy tạ bắt đầu xuống cấp, hệ thống mái bắt đầu nứt trơ sắt ra, khả năng duy trì hoạt động chỉ được 1 đến 2 năm. Dù phường rối đã được các thành viên bổ sung thêm con rối (thường theo cách chắp vá vì kinh phí lớn) nhưng khi diễn thêm 1 tiết mục vẫn không đáp ứng được yêu cầu của khách. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông dẫn vào khu du lịch đều cấm xe ô tô vào nên khi khách du lịch đến gặp khó khăn trong việc đi lại; nguồn nước tại khu vực hồ thủy tạ đình làng không được thay rửa thường xuyên dẫn đến ô nhiễm. Do đó, lượng khách tới đình Nhân Mục thưởng thức múa rối nước ngày càng ít đi.
Theo thống kê của huyện Vĩnh Bảo, mỗi năm, múa rối nước Nhân Mục đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, thưởng thức. Tuy nhiên, khách du lịch đến đây hầu hết đều thông qua “tua” của các công ty du lịch, hãng lữ hành. Lượng khách từ tuyến “du khảo đồng quê” vẫn chưa được như mong muốn của ngành du lịch huyện và thành phố. Theo ông Nguyễn Viết Bính, việc khai thác các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện  có chuyển biến, nhưng chưa tương xứng tiềm năng vốn có. Do đó, huyện đưa ra chiến lược xây dựng múa rối nước Nhân Hòa trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, công việc này không thể thực hiện một sớm một chiều. Huyện Vĩnh Bảo cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ thành phố để góp phần đưa sản phẩm múa rối nước Nhân Hòa  ngày càng hấp dẫn du khách../.
Tiến Hoàn


Share on Google Plus

Hãy Cho Chúng tôi Biết Về Cảm Nhận Của Bạn!