Thư gửi các ông lãnh đạo Hải Phòng.
PNTB: Chẳng phải vì bạn thân mà mình cảm thấy bức xúc trước hiện tượng “vắt chanh bỏ vỏ”. Đây chỉ là cái tình chứ không hề “bênh nhau” theo kiểu bè phái hay “nhóm lợi ích” gì cho cam. Nghĩ thương bạn cả năm còng lưng "kéo cày phục vụ nhiệm vụ chính trị” cho địa phương, chẳng biết công sá ra sao, có đủ rau cháo cho vợ con không, mà người ta lại cố ý “lãng quên”. Tôi đồ rằng, bạn tôi trực tính, đôi khi “trung ngôn – nghịch nhĩ”, khiến những người ưa nịnh thì không thích, nên mới có động thái cư xử như vậy.
Cứ nghĩ, nói hay đừng. Nhưng cuối cùng thì mình vẫn nói, bằng một lá thư gửi đến những người có trách nhiệm ở TP này.
Lào cai, ngày 15 tháng 12 năm 2013.
Kính gửi:
- Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng;
- Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng;
- Ông Lê Khắc Nam, Phó CT UBND TP Hải Phòng;
- Ông Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở Văn hóa – TT & DL Hải Phòng;
Trước hết, xin gửi đến quý ông lời chúc sức khỏe nhân dịp đón năm mới 2013. Sau nữa mong các ông cố gắng “uống trọn bát thuốc đắng” này vì “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”.
Tôi là người quê hương xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Từ năm 1965 đã theo gia đình lên khai hoang trên đất Lào Cai. Tôi luôn gửi tấm lòng yêu mến quê hương qua những tin tức (báo chí, truyền hình, VCV, thư từ trao đổi cùng anh em, bạn bè, đồng nghiệp...).
Tôi theo dõi rất kỹ các hoạt động của “Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013” và tự hào về mảnh đất “đầu sóng ngọn gió” thân thương của mình.
Qua chương trình VTV2 tường thuật trực tiếp Lễ bế mạc “Năm du lịch đồng bắng sông Hồng” tối 14/12/2013 tại Nhà hát TP Hải Phòng, tôi vừa mừng lại vừa chạnh lòng buồn.
Mừng vì các hoạt động văn hóa - du lịch HP ngày càng khởi sắc, đúng là một “Cửa biển” quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa miền Bắc.
Buồn vì cách ứng xử thiếu văn hóa theo kiểu “Vắt chanh bỏ vỏ” của ai đó trong ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch HP với những văn nghệ sĩ có tâm, có tầm đã “vắt óc” phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa của TP mà vẫn bị lãng quên như một sự bạc đãi. Xin cụ thể:
Tôi có người bạn là tác giả - đạo diễn Trần Tuấn Tiến, Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (sinh hoạt tại Hội NSSK Hải Phòng). Tôi được biết: Trong năm 2013, NS Trần Tuấn Tiến đã làm tới 6 chương trình lễ hội trong chương trình tổng thể “Năm du lịch quốc gia”, đó là:
1/ Tháng1/2013 : Là tác giả kịch bản “Lễ hội Nguyễn Bỉnh Khiêm” (Truyền hình trực tiếp)
2/ Tháng 2/2013: là Tác giả - Tổng đạo diễn “Lễ hội đền Nghè – Lê Chân” (Truyền hình trực tiếp)
3/ Tháng 2/2013 : Tác giả - Tổng đạo diễn “Lễ hội Núi Voi – An Lão” (Truyền hình trực tiếp)
4/ Ngày 30/3/2013 : Là tác giả kịch bản “Lễ hội Cát Bà đảo ngọc tình người” (Truyền hình trực tiếp)
5/ Ngày 30/4/2013 là tác giả kịch bản “Đồ Sơn biển gọi” (Truyền hình trực tiếp)
6/ Ngày 12/5/2013 Tác giả & Tổng đạo diễn “Lễ hội sông Hồng” cho Trường PTTH Thái Phiên (Đại diện cho khối giáo dục và Thành đoàn).
Những việc này chắc Ban tổ chức lễ hội nắm vững hơn tôi. Trong một năm mà viết và dàn dựng được 6 chương trình lễ hội mà 5/6 chương trình được Truyền hình trực tiếp thì quả là một kỳ tích, một quá trình lao động sáng tạo cật lực mà không phải ai cũng “sản xuất” nhanh và chất lượng như thế.
Thế nhưng, khi xem buổi THTT lễ Bế mạc (tốí 14/12/2013) tôi nhanh nhảu gọi điện chúc mừng bạn thì thật sự giật mình khi nghe NS Trần Tuấn Tiến trả lời là đang ngồi xem THTT ở nhà vì không được mời tới dự.
Sao ở một TP hiện đại có bề dày văn hóa như Hải Phòng của mình mà lại ứng xử với NS một cách thiếu văn hóa đến thế? Thực ra, tôi nghĩ, việc được mời đến dự buổi Lễ bễ mạc…cũng chỉ là vui vẻ chứ không phải để thụ hưởng quyền lợi gì ghê gớm lắm. Nhưng cái động thái “quên” cả người có nhiều công lao đóng góp cho Chương trình thì nó thể hiện một sự ứng xử rất thiếu văn hóa của những người làm văn hóa. Điều đó nó còn chứng tỏ sự coi thường lao động nghệ thuật, khiến giới nghệ sĩ nói chung biết sự việc đều phải bức xúc. Buồn là vậy.
Các cụ dạy: “Con ở xét công, vợ chồng xét nhân nghiã”. Một NS làm đến 6 chương trình phục vụ lễ hội mà bị “lãng quên” thì khác nào như “vắt chanh bỏ vỏ”!
Trân trọng sự đóng góp của người có công là nét văn hóa tối thiểu. Đừng để xảy ra chuyện “Quả soài nhà Trần”, khiến cho giới văn nghệ sĩ phải buồn lòng mà thui chột sự sáng tạo, không có lợi gì cho sự nghiệp chung!
Với niềm tự hào và tình yêu quê hương, tôi viết mấy dòng tâm thư để các vị có trách nhiệm hiện nay ở TP Hải Phòng ngẫm nghĩ về đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây…”.
Trân trọng.
Nguyễn Ngọc Dương.
Người con của quê hương Hải Phòng
ở Lào Cai.
ở Lào Cai.
Vài hình ảnh Lễ hội do NS Trần Tuấn Tiến
sáng tạo kịch bản và tổng đạo diễn trong năm 2013
Đoàn Chèo HP trong Lễ hội Nguyễn Bỉnh Khiêm |
Lễ hội Lê Chân |
Chương trình văn nghệ trường THPT Thái Phiên |
Đạo diễn Trần Tuấn Tiến đang dàn dựng chương trình lễ hội Lê Chân Ảnh trang này của Tuấn Tú Theo: PHÓ NHÒM TÂY BĂC |