Sân khấu kịch hát dân tộc thiếu các nghệ sĩ trẻ tài năng
Như chúng ta đã biết, nói đến nghệ thuật sân khấu là nói đến nghệ thuật biểu diễn của người diễn viên. Bởi lẽ, trên sân khấu, người diễn viên đóng vai trò trung tâm trong quá trình sáng tạo vở diễn, còn các thành phần khác chỉ là những yếu tố hỗ trợ cho diễn viên mà thôi. Nói như vậy có nghĩa là không có nghệ thuật biểu diễn của người diễn viên trước khán giả, thì mọi cố gắng của tác giả, của đạo diễn, của nhạc sĩ, của họa sĩ... đều trở nên vô nghĩa, không thể có nghệ thuật sân khấu.
Trong nghệ thuật sân khấu, diễn viên trẻ tài năng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Họ được coi như những “ngôi sao sân khấu” vì chính những “ngôi sao” này là lực hút khán giả mạnh mẽ nhất. Nhiều khán giả đến với sân khấu không hẳn vì muốn thưởng thức vở diễn, cũng không hẳn vì tình yêu đối với nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương, mà vì muốn được thấy “ngôi sao” của mình trên sân khấu, muốn được nghe “ngôi sao” của mình ca, muốn được xem “ngôi sao” của mình diễn…
Trước đây, Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam) đã gặt hái được thành công khi có “ngôi sao” Thanh Thanh Hiền. Với khuôn mặt đẹp, hình thể cân đối, lối diễn chân thật, thể hiện được chiều sâu tâm lí nhân vật, có khả năng đi vào nhiều loại vai diễn: từ cổ đến kim, từ trẻ đến già, từ bi đến hài, từ văn đến võ; với giọng ca khỏe, trong trẻo, mượt mà, vừa có khả năng vút lên ở độ cao, vừa có thể vươn rộng trường độ và hạ xuống ở độ thấp, Thanh Thanh Hiền đã thực sự chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả và bạn bè đồng nghiệp trong Nam, ngoài Bắc. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, nhiều nghệ sĩ lớn tuổi đã nói: “Nhờ có ngôi sao Thanh Thanh Hiền, mà khán giả mới biết đến sân khấu Cải lương Bắc và biết đến các vở diễn của Nhà hát Cải lương Trung ương nhiều hơn”. Nói cách khác, chính “ngôi sao” Thanh Thanh Hiền đã kéo khán giả đến với sân khấu Cải lương Trung ương.
Từ thực tế trên, soi chiếu vào các đơn vị kịch hát dân tộc nước ta hiện nay, có thể thấy lực lượng diễn viên đang phân hóa thành 2 nhóm. Nhóm các nghệ sĩ có tài năng, có thâm niên trong nghề, được nhiều khán giả biết đến thì đã phai nhạt về nhan sắc, xuống sức về giọng ca, suy giảm về khả năng thể hiện hình tượng nhân vật, không đủ sức tạo nên sức hấp dẫn khán giả. Hơn nữa, nhiều người trong số họ đã có danh hiệu, nên tự bằng lòng với những gì mình có, không muốn phấn đấu nữa, dần xa rời sàn diễn để làm công tác lãnh đạo, đào tạo lớp trẻ.
Nhóm những nghệ sĩ trẻ, chiếm số lượng không nhiều và những người thực sự có tài năng thì lại càng hiếm hoi. Mặc dù họ đã được đào tạo chính qui từ nhà trường, nhưng phần lớn đều bị rơi vào tình trạng yếu kém cả về trình độ chuyên môn lẫn kiến thức chính trị, xã hội. Họ không nắm vững kĩ thuật ca, diễn, vũ đạo, không biết cách thể hiện vai diễn bằng tâm hồn, trí tuệ của chính mình. Vì vậy, họ đã cho ra mắt khán giả những hình tượng thiếu chân thực, sâu sắc và không đạt hiệu quả cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Trước hết, công tác đào tạo gặp nhiều bất cập: giáo trình, tài liệu, trang thiết bị phục vụ học tập còn thiếu thốn; đội ngũ giảng viên dạy chuyên môn là những nghệ sĩ thực sự có tài năng thì hiếm hoi; phương pháp truyền nghề theo vai mẫu thiếu khoa học, thiếu “chất lửa” nghề nghiệp, đã tạo cho học sinh hụt hẫng, khiếm khuyết về kiến thức và sinh ra những vai diễn “bản sao” của thầy, nghèo nàn, cứng nhắc, thiếu cái riêng, độc đáo.
Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết, nền sân khấu của chúng ta hôm nay là nền sân khấu của cơ chế thị trường. Vì là nền sân khấu của cơ chế thị trường, cho nên, nó phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt giữa nó với các loại hình giải trí khác. Trong cuộc cạnh tranh này, các thể loại Tuồng, Chèo, Cải lương bị rơi vào tình trạng “đuối sức” và mất dần khán giả. Một khi bị thiếu vắng khán giả và không được khán giả tôn vinh, đề cao, thì việc trở thành diễn viên tuồng, chèo, cải lương không phải là “lực hút” để những người thực sự có tài năng, có năng khiếu nghệ thuật lựa chọn để “sinh tử vì nghề”.
Hơn nữa, đời sống của người nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Mức lương lâu nay vẫn áp dụng theo thang bậc dành cho ngạch công chức, viên chức, không thích hợp với lao động nghệ thuật. Vì, việc xếp diễn viên vào ngạch công chức, viên chức biến các nghệ sĩ thành những người làm công ăn lương đã tạo nên sức ì to lớn. Có vai diễn hay không, diễn tốt hay dở, hát đúng hay sai... đều vẫn có lương và mọi chế độ đều bình đẳng như nhau. Chính những bất hợp lí này đã làm cho các nghệ sĩ mất dần động lực sáng tạo, không thúc đẩy được sự cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, mức lương cũng như các chế độ phụ cấp cho việc luyện tập và biểu diễn còn rất thấp kém. Với nguồn thu nhập thấp này thì nghề diễn viên kịch hát dân tộc không những không tạo được sự cạnh tranh với các nghề khác có thu nhập cao hơn, mà còn không có tác dụng kích thích người nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý cho công việc sáng tạo nghệ thuật. Khi nghề chính không nuôi nổi mình thì họ phải đi làm nghề phụ và dẫn đến hiện tượng “chân ngoài dài hơn chân trong”. Điều này cũng giải thích vì sao số lượng thí sinh đăng kí dự thi vào lớp diễn viên kịch hát dân tộc ngày càng ít dần ; những người thực sự có tài năng, có năng khiếu và tình yêu nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương như sao buổi sớm.
Tất nhiên, không phải nghệ sĩ trẻ nào cũng như vậy, mà vẫn tồn tại những nghệ sĩ trẻ có tài năng, có nhiều tâm huyết với nghề. Nhưng, họ lại gặp phải khó khăn: đời sống chật vật với đồng lương eo hẹp; ít có điều kiện để cống hiến cho nghề và phát huy tài năng của mình; chuyên môn dần bị mai một theo thời gian do ít có điều kiện được đóng vai diễn trên sân khấu, mà chủ yếu phải hát tân nhạc trong các chương trình nghệ thuật tổng hợp hoặc không được giao các vai chính, mà phải dành cho các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, đã khẳng định được tên tuổi; chưa được đãi ngộ một cách thỏa đáng để họ toàn tâm, toàn ý gắn bó hết mình với đơn vị. Sự khác biệt giữa khát vọng làm nghề với thực tế biểu diễn đã đẩy các nghệ sĩ trẻ này rơi vào trạng thái chán nản, nguội dần ngọn lửa tình yêu nghệ thuật cháy bỏng ban đầu và không đủ dũng khí để phấn đấu vươn lên. Để cuối cùng dẫn đến hiện tượng “ra đi” của các nghệ sĩ trẻ tài năng.
Sự ra đi này làm cho sân khấu kịch hát dân tộc vốn đã thiếu, đã hiếm diễn viên trẻ tài năng, nay lại càng hiếm, càng thiếu hơn nữa. Bởi lẽ diễn viên có thể sẵn có, nhưng diễn viên trẻ tài năng thì không sẵn có. Dĩ nhiên, các cụ xưa có câu: “Không có mợ thì chợ vẫn đông”, không có các nghệ sĩ ấy thì đơn vị nghệ thuật vẫn tồn tại, chưa “chết”. Nhưng, cái thiệt lớn nhất lại thuộc về khán giả. Thiếu vắng nghệ sĩ trẻ tài năng, vở diễn sẽ thiếu sự thanh xuân, tươi trẻ, sẽ bị suy giảm về chất lượng nghệ thuật, suy giảm lực hút đối với khán giả. Kết quả là, sân khấu kịch hát dân tộc vốn đã it khán giả, nay lại càng khó khăn hơn trong việc lôi kéo khán giả.
Có thể nói, việc tìm người tài và đào tạo người tài vốn đã khó, việc sử dụng người tài và giữ chân người tài lại càng khó hơn. Để giải quyết thực trạng này, đòi hỏi cả một quá trình lâu dài, có chiến lược và đồng bộ của các nhà quản lí trong ngành văn hóa và nghệ thuật biểu diễn.