Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp 2013

Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp 2013

Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 do Cục nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 19 tháng 10 đến ngày 01 tháng 11 tại Nhà hát Tháng Tám, 117 Đinh Tiên Hoàng, Quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng.

Cuộc thi năm nay có 17 đơn vị nghệ thuật Chèo trên toàn quốc đăng ký tham gia với 24 vở diễn thuộc nhiều đề tài, trong đó nhiều nhất vẫn là các vở diễn đề tài lịch sử.
Như thường lệ, cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá chất lượng nghệ thuật, hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp trong cả nước. Cuộc thi được tổ chức ba năm một lần (trước đó, Hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức định kỳ 5 năm một lần) để từ đó xây dựng và định hướng phát triển một trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống quan trọng của dân tộc. Cuộc thi cũng là cơ hội để những nghệ sĩ, diễn viên Chèo gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm tìm hướng đi đúng đắn cho con đường mình đã chọn.

Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn song các nhà hát, đoàn nghệ thuật vẫn cố gắng để mỗi năm dàn dựng vở diễn mới với mục đích phục vụ khán giả, đồng thời có thể dự thi theo đúng tiêu chí của Ban tổ chức. Theo đó, các tác phẩm có chủ đề, nội dung, tư tưởng rõ ràng mang đậm giá trị nhân văn; phản ánh sâu sắc tinh thần bất khuất của cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước; ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ca ngợi những nhân tố tích cực, những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới; cổ vũ cái đúng, cái tốt đẹp; lên án cái ác, cái thấp hèn và những thói hư tật xấu trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và thiên nhiên. Cuộc thi cũng khuyến khích các tác phẩm được dàn dựng nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương IV khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Thực hiện Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tuy nhiên, có thể thấy, đây là một đề tài không dễ đối với loại hình nghệ thuật truyền thống nên các đoàn khá dè dặt trong chọn lựa, dàn dựng.

Và để thi thố cùng các đồng nghiệp, các đơn vị nghệ thuật Chèo thường chọn dựng những vở diễn về cuộc đời của các anh hùng, danh nhân. Hội diễn sân khấu Chèo những năm trước thường được coi là cuộc hội ngộ của những danh nhân đến từ các vùng, miền. Năm nay, nhiều nhà hát vẫn chọn chủ đề truyền thống này. Nhà hát Chèo Hà Nội dự thi ba vở thì có đến hai vở là về danh nhân, anh hùng dân tộc. Đó là “Nữ hoàng Mê Linh”, “Nguyễn Công Trứ” và “Tống Trân-Cúc Hoa”.  Nhà hát Chèo Hưng Yên đem đến hội thi vở “Tướng quân Lê Đình Kiên” và “Nỗi đau người lương thiện”. Đoàn nghệ thuật Chèo Phú Thọ có “Nữ tướng Thục Nương”.  Nhà hát Chèo Bắc Giang có  “Bà  ba Cẩn”. Nhà hát Chèo Nam Định là “Chuyện lạ đời”. Nhà hát Chèo Hải Dương có vở “Chuông ngân rừng trúc” và “Huyền Quang Tôn giả”. Đoàn Chèo Hải Phòng dự thi với “Ông vua hóa hổ”. Nhà hát Chèo Hà Nam đến với cuộc thi bằng vở “Bài thơ treo giải yếm đào”. Nhà hát Chèo Thái Bình với “Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ” và “Hưng Đạo Đại Vương”. Đoàn nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang với “Nắng quái chiều hôm”. Đoàn nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên có “Đường đua trong bóng tối”. Nhà hát Chèo VN với “Bà chúa thượng ngàn”, “Đường trường duyên phận”. Đoàn nghệ thuật Chèo Vĩnh Phúc là “Anh hùng và liệt nữ”. Nhà hát Chèo Ninh Bình với “Tiếng hát đại ngàn”. Đoàn nghệ thuật Chèo Quảng Ninh có “Bến nước tình người”. Đoàn nghệ thuật Chèo Thanh Hóa là “Gươm báu truyền ngôi”. Nhà hát Chèo Quân đội mang đến hội thi hai vở “Tiếng đàn vùng mê thảo” và “Người thầy của muôn đời”.

Đây là những vở diễn được dàn dựng nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và các ngày lễ lớn trong năm 2014, 2015. Kết thúc cuộc thi, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có sự sáng tạo nghệ thuật sẽ được trao giải thưởng. Cụ thể, sẽ có giải thưởng cho vở diễn và cá nhân nghệ sỹ. Yêu cầu đối với vở diễn được giải cao nhất là có sự tìm tòi, sáng tạ về phương pháp nghệ thuật và hình thức thể hiện nhưng phải giữ được đặc trưng của loại hình nghệ thuật Chèo, thể hiện rõ  chức năng cơ bản của văn học nghệ thuật: nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và mang tính dự báo cao. Với cá nhân nghệ sĩ được giao đóng vai chính, vai thứ chính và nhạc công phải là nhân viên trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn của đơn vị nghệ thuật đó.

Với mong muốn tạo điều kiện cho các tác giả, đạo diễn trẻ có điều kiện phát huy khả năng, Ban tổ chức vẫn giữ quy định: Mỗi tác giả, đạo diễn không được tham gia cuộc thi với quá ba tác phẩm. Quy định này tuy không mới, song việc các tác giả, đạo diễn nổi tiếng thường chạy “sô” mỗi dịp liên hoan thì gần như vẫn chưa chấm dứt. Ban tổ chức yêu cầu các Nhà hát, đoàn nghệ thuật cần làm việc chặt chẽ với tác giả, đạo diễn trước khi dàn dựng tác phẩm để tránh tuyệt đối trường hợp tác giả hoặc đạo diễn có đến bốn, năm tác phẩm tham dự. Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm nay đưa ra quy định sẽ không chấm điểm các vở diễn của tác giả, đạo diễn sáng tác và dàn dựng quá ba tác phẩm nhưng mang tên người khác. Việc các tác giả, đạo diễn có hơn ba tác phẩm tham dự các cuộc liên hoan trước đã thành chuyện bình thường. Và việc họ sang tên cho một cá nhân khác cũng là điều không còn hiếm. Tuy nhiên, chưa bao giờ việc này được đưa ra ánh sáng. Năm nay, không biết quy định này liệu có được thực hiện một cách nghiêm ngặt?

Hội NSSK Việt Nam
Share on Google Plus

Hãy Cho Chúng tôi Biết Về Cảm Nhận Của Bạn!