Những Doanh Nghiệp Trả Cổ Tức Cao Ngất Ngưởng

Các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức tiền mặt/giá cao đang trở thành đối thủ cạnh tranh của tiết kiệm ngân hàng.

Kể từ khi công bố thông tin tạm ứng cổ tức năm 2013 bằng tiền mặt tỷ lệ 25%, cổ phiếu DPM của CTCP Phân bón và hóa chất Dầu khí đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, tạo nên những phiên tăng giá liên tiếp. Mức tăng mỗi phiên tuy không nhiều, nhưng đủ để thấy giá DPM đi ngược xu hướng của nhiều cổ phiếu khác trên thị trường.

Dòng tiền đang tìm đến những cổ phiếu của doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng
Tiền đổ về các doanh nghiệp có điểm chỉ số chứng khoán cao



Theo một CTCK lớn, năm nay, DPM có thể trả cổ tức bằng tiền mặt tới 40% và mức 25% nói trên chỉ là ứng trước. Việc không mua lại Đạm Cà Mau khiến DPM, với nguồn tiền mặt dồi dào, sẽ chuyển sang chi trả cổ tức cao. Với giá 40.000 đồng/CP, DPM đang có tỷ lệ cổ tức/giá là 10%/năm, cao hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 năm hiện nay, trong khi thời gian để nhận đủ 40% cổ tức có thể chỉ trong vòng 6 tháng.

Một cổ phiếu khác cũng thu hút được dòng tiền gần đây là PET của Tổng CTCP dịch vụ Dầu khí. PET cũng tạm ứng cổ tức 10% của năm nay. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng PET từ cuối tháng 8 đến nay.

Công ty đã đạt được kết quả lợi nhuận khả quan trong 8 tháng đầu năm và việc bán sản phẩm Note 3 của Samsung trong tháng 9 sẽ tạo đà để PET tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu trong các tháng còn lại của năm.

Ông Phùng Tuấn Hà, Tổng giám đốc PET đã khẳng định, với tình hình khả quan như hiện nay, PET hoàn toàn có thể tăng tỷ lệ cổ tức hơn 17% như dự kiến, một tỷ lệ hấp dẫn với thị giá hơn 20.000 đồng/CP hiện nay.

Cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) rất vững ở mức giá 38.000 - 40.000 nghìn đồng/CP trong mấy tháng qua, bất chấp lợi nhuận của HSG những tháng này không còn cao như các tháng trước đó. Với thu nhập trên mỗi cổ phiếu gần 6.000 đồng, HSG hứa hẹn tỷ lệ trả cổ tức cao.

Một cơ hội khác là VF1. Nhìn vào lực mua chứng chỉ quỹ này trong nửa tháng qua, có thể thấy, nhà đầu tư đang lựa chọn một cơ hội đầu tư hời hơn gửi tiết kiệm. Với mức giá 16.800 đồng/CCQ, chiết khấu 8% so với NAV, nhà đầu tư sở hữu VF1 có cơ hội lời khoảng 8% sau hơn 1 tháng khi VF1 chuyển thành quỹ mở và giao dịch lần đầu vào đầu tháng 11. Rủi ro NAV giảm mạnh khá thấp khi VF1 sở hữu 41% tiền mặt, 18% cổ phiếu VNM, còn lại là các cổ phiếu khác như FPT, REE. GAS...

Tỷ lệ cổ tức cao không chỉ giúp nhà đầu tư có mức sinh lời tốt hơn gửi tiết kiệm mà quan trọng hơn, với các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt, sở hữu cổ phiếu doanh nghiệp đồng nghĩa với cơ hội hưởng cổ tức nhiều hơn, hoặc bán được cổ phiếu với giá cao hơn.

“Bạn sẽ để tiền vào đâu? Lãi suất tiết kiệm an toàn nhưng không hấp dẫn. Bất động sản thì khả năng sinh lời chưa nhìn thấy, trong khi chi phí vốn phải tính ngay khi xuống tiền. Mua ngoại tệ số lượng lớn rất khó và còn là phạm pháp. Chỉ có tài sản ở các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, đang bị định giá thấp là lựa chọn hợp lý vào thời điểm này”, Chủ tịch HĐQT một tổ chức đầu tư tài chính lớn ở Việt Nam nói.

 Theo Tintuconline
Share on Google Plus

Hãy Cho Chúng tôi Biết Về Cảm Nhận Của Bạn!