10 LÝ DO KHIẾN TÌNH YÊU NHÀM CHÁN.....!
1. Cảm thấy bị chi phối quá nhiều
Sự chán nản có thể đến từ việc bạn cảm thấy mình nhỏ bé và yếu thế hơn người yêu. Trong các mối quan hệ bình thường, sự khác biệt giữa người mạnh - kẻ yếu có thể không phải là nguyên nhân gây cảm giác chán nản. Chẳng hạn, cha mẹ có quyền quản lý con cái, miễn là họ sử dụng nó trong việc nuôi dưỡng con trẻ chứ không phải để thống trị. Trong công việc, người chủ có quyền kiểm soát công nhân. Tuy nhiên trong mối quan hệ yêu đương nam nữ, sự chi phối quyền lực phải được chia sẻ một cách công bằng. Bất kỳ ai tỏ ra là kẻ thống trị thì người còn lại sẽ cảm thấy yếu thế và mau nhàm chán.
2. Chỉ trích lẫn nhau
Hãy xét xem một trong hai bạn có thường nói với nhau kiểu: "Tôi không thích kiểu tóc này của em", "Anh không nên mua cái áo mới đó"...?
Khi yêu, việc bày tỏ ý kiến về một mối quan tâm nào đó là bình thường nhưng vấn đề ở đây là bạn phải khéo léo, đừng biến nó trở thành lời chỉ trích, phê phán sẽ khiến người kia bị chạm tự ái.
Chẳng hạn khi thấy bạn gái mua một chiếc áo quá hở hang, hạn hãy góp ý nhẹ nhàng rằng "Anh cảm thấy hơi lo lắng bởi những người đàn ông khác sẽ nảy sinh ham muốn khi nhìn thấy em mặc chiếc áo này đấy". Còn bạn gái nếu không muốn người yêu mua chiếc áo khoác quá đắt tiền, bạn có thể nói với anh: "Chiếc áo trông cũng được anh ạ. Nhưng em lo anh mua nó rồi sẽ không còn tiền để chi trả tiền nhà tháng này. Chúng ta hoàn toàn có thể mua một chiếc tương tự ở một cửa hàng khác với giá mềm hơn đấy".
3. Hay áp đặt, ra lệnh
Trong tình yêu, thái độ hách dịch của người này có thể khiến người kia nản lòng. Thậm chí một câu đề nghị ôn hòa kiểu như "Chiều nay em đi nhận giấy tờ cho anh nhé" đôi khi cũng khiến cô bạn gái cảm thấy bực bội vì bị sai khiến. Trên thực tế, không ai thích bị người khác sai bảo phải làm việc gì. Lời khuyên cho bạn mỗi khi muốn nhờ người yêu làm gì cho mình, tốt nhất nên đưa ra đề nghị nhã nhặn cho phép người kia lựa chọn làm hoặc không làm điều đó.
4. Kiểm soát nhau quá chặt
Người yêu luôn muốn kiểm soát bạn về thời gian, tài chính, mối quan hệ bạn bè, gia đình... khiến bạn cảm thấy chán nản vì mất tự do. Buồn chán đôi khi đơn giản là sự rối loạn trong việc phân quyền. Khi người yêu của bạn nắm giữ hết quyền hành không để bạn có quyền tự quyết hay ít nhất là tham dự một phần vào các quyết định thì nguy cơ rạn nứt tình cảm rất dễ xảy ra.
5. Quá bảo thủ
Giữ vững lập trường là điều tốt, nhưng đòi hỏi bạn phải biết lắng nghe. Con người "nhân vô thập toàn" nên nhiều lúc chúng ta cũng sai lầm. Trong trường hợp cả khi biết mình sai, bạn vẫn không dám nhận lỗi mà luôn gân cổ cho rằng mình đúng thì bảo thủ. Thái độ "tôi luôn đúng" kéo dài sẽ khiến cho nửa kia của bạn cảm thấy ngán ngẩm.
6. Không biết tính toán cho tương lai
Sự vô tư ban đầu sẽ là thứ mật ngọt làm thắm thêm tình yêu của bạn. Tuy nhiên khi đã yêu nhau một thời gian mà cả hai không có những tính toán, lên kế hoạch cho tương lai thì sẽ có nguy cơ đi vào sự nhàm chán.
Sự tính toán có thể đơn giản từ việc bàn thảo: Tối ăn chúng ta sẽ ăn gì, sau này mình sẽ sống ở đâu... Đôi khi nói ra những điều đó chưa chắc bạn đã thực hiện được, nhưng trước mắt nó gửi đến đối phương cảm giác về một mối quan hệ nghiêm túc và chân thành.
7. Một trong hai người luôn cảm thấy chán nản
Thực tế cảm xúc buồn chán có thì lây truyền từ người này sang người khác. Thường xuyên tiếp xúc với người yêu luôn nhìn đời bằng ánh mắt tiêu cực, bạn sẽ có xu hướng "nhiễm". Dần dần cả hai sẽ cảm thấy u ám mỗi khi đối diện với nhau. Chính trạng thái này dần dần sẽ giết chết tình yêu của bạn.
8. Hay cáu gắt
Tức giận tạo ra hiệu ứng lây lan cảm xúc tiêu cực. Khi bạn thường xuyên cáu gắt sẽ khiến người đối diện cảm thấy bất lực, chán chường. Thậm chí khi hai bạn đã kết hôn thì tính cáu bẳn của bạn sẽ làm cho con cái, ông bà nội ngoại cảm thấy không hài lòng. Mọi rạn nứt có thể từ đây mà ra.
9. Lạm dụng
Sự lạm dụng có thể là về mặt cảm xúc (thể hiện qua thái độ chỉ trích và kiểm soát); về lời nói (chửi rủa); về mặt thể chất (bạo hành, xô đẩy, ném đồ). Tất cả những hành động này không tương thích với mối quan hệ giữa hai người yêu nhau.
Trong tình yêu có đủ cảm giác "hỷ, nộ, ái, ố...", một số trường hợp sự bốc đồng trong tình yêu còn giúp mối quan hệ trở nên thân mật hơn. Tuy nhiên sự bốc đồng trong tình yêu không bao giờ làm cho người khác phải đau đớn. Bất kỳ hình thức lạm dụng về mặt cảm xúc, lời nói hay bạo hành thể xác đều có thể khiến người kia rơi vào trạng thái trầm cảm, chán chường.
10. Một trong hai người không tham gia tích cực vào việc chung
Khi người ấy tất bật chuẩn bị bữa sáng, hoặc dọn dẹp nhà cửa cho bạn... Sự giúp đỡ này đều thể hiện tình yêu họ dành cho bạn. Ngược lại, nếu bạn yêu một người rất thụ động, không chịu chia sẻ công việc, bạn sẽ cảm thấy chàng/nàng không phải là của một người trưởng thành thực thụ. Cảm giác chán nản sẽ từ từ ập đến.
"Khi tình yêu của bạn có những dấu hiệu trên, hãy khéo léo để thay đổi bằng cách trò chuyện với người yêu, nên nhớ phải thật cẩn thận. Đừng đưa ra những lời phàn nàn và chỉ trích có thể làm cho người ấy cảm thấy thất vọng với chính bản thân họ hoặc sẽ phản pháo kịch liệt. Tốt nhất, bạn hãy tận dụng thế mạnh của mình, cộng với khả năng giao tiếp lịch thiệp để thống nhất những quy tắc mới để cùng nhau xây dựng một mối quan hệ lâu dài".