Những ngày qua, thông tin Sở GTVT Hà Nội đã ký tờ trình điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách ra khỏi bến xe Mỹ Đình đã làm “choáng váng” nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách khi buộc phải rời khỏi bến xe này trong cay đắng, ngậm ngùi.
Tình trạng phóng uế phản cảm, mất vệ sinh tại bến xe Mỹ Đình mà báo Dân trí từng phản ánh
Hàng loạt câu hỏi đặt ra là: Ai là “tác giả” tạo nên “bi kịch” trên đối với hàng chục doanh nghiệp vận tải xe khách trên? Ai là người đã biết bến xe Mỹ Đình đã quá tải mà vẫn cấp phép cho hàng trăm lượt xe ra vào bến để dẫn đến tình trạng “vỡ trận” tại bến xe này? Trước những câu hỏi trên, PV Dân trí đã đi sâu tìm hiểu vấn đề đang gây bức xúc dư luận này.
Theo nội dung tờ trình số 391/TTr-SGTVT đề ngày 2/4/2013, do Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Quốc Hùng ký gửi UBND TP. Hà Nội nêu rõ: Thời gian qua, tại khu vực bến xe Mỹ Đình xuất hiện tình trạng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông vào một số thời điểm trong ngày. Hiện tượng các “xe dù”, “bến cóc” hoạt động ngày càng gia tăng mạnh tại khu vực này gây bức xúc cho dư luận xã hội.
Qua khảo sát thực tế và phân tích, Sở GTVT Hà Nội thấy rằng, để chấm dứt hiện tượng mất an toàn trật tự giao thông và ùn tắc tại khu vực bến xe Mỹ Đình cần điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra khỏi bến xe Mỹ Đình về một số bến xe khác trên địa bàn Thành phố.
Mục đích điều chuyển nhằm giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, giảm ùn tắc giao thông và tình trạng mất trật tự an toàn giao thông khu vực bến xe Mỹ Đình; đảm bảo việc đi lại của nhân dân ít bị xáo trộn; ảnh hưởng ít đến hoạt động kinh doanh của từng đơn vị vận tải; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác vận tải.
Như vậy, ngay tại tờ trình này Sở GTVT Hà Nội đã thừa nhận tình trạng quá tải của bến xe Mỹ Đình. Cụ thể, hiện nay tần suất trung bình một ngày có 1233 lượt xe xuất bến tại bến xe Mỹ Đình. Để giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, Sở GTVT phải điều chuyển 433 lượt xe sang bến xe Yên Nghĩa và bến xe Gia Lâm. Hậu quả của việc điều chuyển hơn 400 lượt xe xuất bến như trên khiến các nhà xe "hoảng loạn" như "ong vỡ tổ" tại bến xe Mỹ Đình.
Rõ ràng ở đây, quá trình cấp phép cho các chủ xe hoạt động tại bến xe Mỹ Đình đã bị buông lỏng, hoặc là cơ quan cấp phép quá dễ dãi để bến xe này rơi vào tình trạng quá tải 433 lượt xe xuất bến/ngày. Và để có được giấy phép hoạt động ở bến xe Mỹ Đình, các chủ xe đã phải tốn công, tốn của làm các “thủ tục” không hề đơn giản với nhiều cơ quan chức năng Hà Nội.
Cực chẳng đã, doanh nghiệp vận tải đã phải nói ra những điều "không muốn nói"!
Trong nội dung đơn kiến nghị gửi đến Báo Dân trí, ông Phạm Đình Kha, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Hưng Hà (Thái Bình) bức xúc cho hay: “Xuất phát từ nhu cầu đi lại của nhân dân, những năm qua Sở GTVT Hà Nội đã mở cửa cho các đơn vị vận tải Thái Bình và Hà Nội đầu tư phương tiện đón trả khách tại bến xe Mỹ Đình. Tuy nhiên, trong công tác điều phối và quản lý vận tải của Sở GTVT Hà Nội có nhiều bất cập; việc cấp phép cho các đơn vị vào khai thác tại các bến xe của TP. Hà Nội không cân đối; việc phối hợp với các ngành chức năng tăng cường quản lý chống tiêu cực xe dù, bến cóc còn nhiều hạn chế (hiện nay một số xe vẫn thường xuyên đón, trả khách trong nội thành và khu vực bến xe Mỹ Đình không bị xử lý)…
Sau bao năm hoạt động khó khăn, bù lỗ vận tải bến mới có khách đi lại. Nay do bất cập trong công tác quản lý và để có thu nhập ngay cho bến xe Yên Nghĩa và bến xe Gia Lâm, doanh nghiệp chúng tôi phải dời bến xe Mỹ Đình… Ai là người chịu trách nhiệm trước việc Sở GTVT Hà Nội cho quá nhiều xe vào bến Mỹ Đình khai thác?”.
Các xe thường đi “vòng vèo” khoảng hơn một giờ đồng hồ, đón cho đủ lượng khách rồi mới chịu đi, hoặc ngang nhiên dừng xe giữa đường, kéo, xô đẩy khách lên xe gây rất nhiều bức xúc cho người đi đường.
Đã có nhiều báo chí thông tin: Trong một cuộc họp đầu tháng 5/2008, Giám đốc Công an Hà Nội kiêm Phó Ban chỉ đạo 197 Nguyễn Đức Nhanh đã từng lên tiếng “xe đi các tỉnh phía Tây, Tây Bắc đón, trả khách tại bến xe Mỹ Đình; xe đi các tỉnh phía Nam đón trả khách tại bến xe phía Nam, Nước Ngầm; xe đi các tỉnh phía Bắc đón, trả khách tại Gia Lâm”.
Tiếp đến, cả Giám đốc Công an TP và Giám đốc Sở GTVT cùng kiến nghị (ngày 8/5/2008) “sắp xếp, điều chỉnh các tuyến xe khách”. Một tháng sau, UBND TP. Hà Nội cũng đã có thêm văn bản hối thúc Sở GTVT, Công an TP, Tổng Công ty Vận tải HN rà soát và báo cáo.
Sở GTVT gửi văn bản lấy ý kiến các doanh nghiệp bến xe trên địa bàn Hà Nội. Họp sơ kết 3 tháng thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông liên ngành GTVT-Công an, Phó Chủ tịch UBND TP kiêm trưởng Ban Chỉ đạo 197 Nguyễn Văn Khôi nhắc lại và yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để “đề xuất phương án điều tiết giữa các bến xe, xong trước ngày 10/9/2008”.
Vắng bóng các chiến sĩ công an, các xe khách và “cò mồi” vẫn tranh thủ hoạt động rất mạnh khu vực bến xe Mỹ Đình
Gần đây nhất, trong một cuộc họp có sự tham gia của cán bộ chủ chốt Công an TP. Hà Nội lại tiếp tục đề nghị UBND TP chỉ đạo xe tuyến phía Bắc đi Bắc, xe tuyến phía Nam đi phía Nam... Văn bản đi, văn bản lại; sự cấp thiết trước “vấn nạn” ùn tắc giao thông Thủ đô, các ngành liên quan đều biết, đều quan tâm nhưng mọi thứ mới chỉ dừng lại ở mức hành động bằng...văn bản.
Sở GTVT chính là đơn vị cấp phép tràn lan khiến bến xe Mỹ Đình "bội thực" trên 400 chuyến xuất bến/ngày, dẫn đến tình trạng "vỡ tổ" bắt buộc phải giảm tải như hiện nay.
Cho đến mãi tháng 4/2013, chủ trương trên mới được ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cụ thể hóa bằng tờ trình số 391/TTr-SGTVT đề ngày 2/4/2013, gửi UBND TP. Hà Nội.
Có điều dư luận đang quan tâm đó là việc “bất bình thường” trong việc chọn tuyến đường ra vào bến xe Yên Nghĩa và bến xe Gia Lâm tại tờ trình 391/TTr-SGTVT đề ngày 2/4/2013. Cụ thể, nên chọn tuyến ra vào bến xe Yên Nghĩa theo lộ trình: Bến xe Yên Nghĩa – đường 70 – Quốc lộ 1A rẽ phải – Thường Tín- Quốc lộ 1B rẽ phải và ngược lại. Không nên đi theo lộ trình: Lê Trọng Tấn – Lê Văn Lương kéo dài – đường trên cao vành đai 3 – Quốc lộ 1B (Pháp Vân – Cầu Giẽ) và ngược lại theo tờ trình 391. Vì như vậy sẽ không tránh khỏi “nhóm lợi ích” cho xe đi xuyên tâm thành phố Hà Nội qua đường phía dưới gầm đường cao tốc. Việc xe khách ra vào bến xe Gia Lâm theo phương án tờ trình số 391 rất khó khắc phục ùn tắc, đặc biệt khu vực phía trước bến.
Thực tế, tại Hà Nội hiện nay có quá nhiều loại hình vận tải “xuyên tâm”, đi chéo thành phố. Xe buýt nội đô kềnh càng với tần suất cao; buýt kế cận từ các tỉnh, xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng, taxi... đều có mặt trên những tuyến đường nội đô. Sự chồng chéo, nhằng nhịt các loại hình vận tải “xuyên tâm” thành phố phần nào đã thể hiện sự rối rắm và thiếu quyết liệt trong chỉ đạo.
Vì vậy, Sở GTVT Hà Nội cần cơ cấu lại tuyến vận tải khách liên tỉnh trong bến xe hoặc nhóm bến xe theo hướng cư trú của dân cư. Trước hết các tuyến phía Nam tập trung khai thác có hiệu quả bến xe Yên Nghĩa, vì bến này mới đầu tư với số tiền lớn mà hoạt động chưa có hiệu quả. Các bến còn lại ở phía Nam phải được tổ chức lại để có thể tiếp nhận thêm phương tiện.