Dân mạng ủng hộ 'chỉ học hết lớp 9'

Ca sĩ Lam Trường cũng tán thành đề xuất 'chỉ cần học hết lớp 9' của nam sinh lớp 12.

Những tưởng clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" chỉ như "thú chơi" của một nam sinh lớp 12. Thế nhưng, quan điểm của nam sinh đưa ra được độc giả đón nhận... nồng nhiệt. Thậm chí còn phong là "người hùng", "thần đồng"... 
Vì sao video của một “kẻ lười biếng” lại có sức mạnh gây chấn động cộng đồng đến thế? Phải chăng nó đã 'phát hiện' rất rõ những 'khuyết điểm' của nền giáo dục Việt Nam hiện nay như: thừa kiến thức, bệnh thành tích, cách dạy lạc hậu... gây tâm lý đối phó, thụ động cho học sinh?
Clip đánh trúng 'tim đen' độc giả?
"Tôi nghĩ em đã nói lên suy nghĩ rất nhiều người trong đó có tôi. Từ lâu tôi đã thấy việc dạy dỗ như hiện nay là hết sức lãng phí. Ví dụ như môn địa lý, lịch sử... học triền miên từ lớp 6 đến lớp 12, nhưng hỏi lại xem mỗi người nhớ đuợc bao nhiêu. Toán học suốt 12 năm nhưng nhớ đuợc bao nhiêu, dùng đuợc những gì ngoài cộng trừ nhân chia là chính. Học văn để làm gì khi mà cô nói sao thì trò phải chép y theo vậy. Điển hình như bài văn tả bà ngoại gần đây hay đấy là chưa kể lâu lâu cô giáo lại cho học sinh ăn canh gà Thọ Xuơng để lấy sức học tiếp...", độc giả haiha@...nói.
Chung quan điểm, bạn đọc có nickname lahien_1981... chia sẻ rằng bản thân bạn thấy bài 'chém gió' của bạn nam sinh rất hay! Hay ở chỗ bạn nam sinh đã dám nghĩ, dám nói nhiều điểm bất cập của nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Thậm chí, bạn quynhhoa@... coi nam sinh lớp 12 này là người có cá tính, đáng để tuyên dương...
Bạn Lê Văn Đức (duc@vnd...) chia sẻ: Tôi cũng đồng ý với cậu học sinh này! Hơn 25 năm trước, giáo dục phổ thông Việt nam có 3 cấp. Học hết cấp 2 (lớp 7) là có thể đi học nghề 2 hoặc 3 năm. Trong thời gian học nghề cũng học thêm các môn cần thiết: Toán, Lý, Hoá, khối lượng kiến thức tuỳ theo nghề học. Hết cấp 3 (lớp 10), rất nhiều người tự lượng sức mình không thi ĐH mà đi học Trung cấp, Cao đẳng hoặc học nghề. Đa phần công nhân có tay nghề cao ngày đó xuất thân từ các trường công nhân kĩ thuật (dạy nghề 2,3 năm). Ngày nay, thậm chí quét rác, bảo vệ, gác cổng cũng đòi hỏi hết PTTH.
"Thật lãng phí khi bắt trẻ em phải mất thêm 3 năm quí giá của cuộc đời, 3 năm tiền ăn, tiền học (cả học thêm) của gia đình... để rồi đi làm những công việc chỉ cần biết cộng trừ nhân chia đơn giản. Cả đời tôi chưa bao giờ dùng đến đạo hàm, tích phân...chưa bao giờ dùng các công thức tính độ cao của vật lí...vậy bắt các cháu nó học làm gì? Hãy để các cháu tự do lựa chọn. Nếu muốn học lên cao thì khi đi làm vẫn có cơ hội", bạn Đức nói.
Dân mạng ủng hộ 'chỉ học hết lớp 9' - 1
Đề xuất "học sinh chỉ cần học đến lớp 9 là đủ" của nam sinh lớp 12 nhận được nhiều hưởng ứng.

Độc giả hatranhai kiến giải: "Không phải cậu học sinh này nói tất cả đều đúng nhưng tôi thấy các nhà làm giáo dục nên xem lại cách giáo dục ở nước ta. Tôi là một nghiên cứu sinh ở nước ngoài về tôi thấy giáo dục ở Việt Nam quá nặng với các cháu. Khi đến trường cháu nào cũng một ba lo nặng thời gian ăn còn không có lấy đâu ra thời gian chơi".Bộ Giáo Dục nên xem lại chương trình dạy và học?
Đề xuất "học sinh chỉ cần học đến lớp 9 là đủ" của nam sinh lớp 12 nhận được nhiều hưởng ứng.
Độc giả phuonguyen.hd.hlu... bày tỏ quan điểm: Phải thừa nhận rằng kiến thức cấp III của ta còn nặng, chưa đi sâu vào chuyên môn. Ví dụ như một bạn có một giọng ca hay, nhưng học ở một trường nông thôn, chưa từng biết đến cây đàn, nên cấp 3 không có môn âm nhạc, thì năng khiếu âm nhạc có phát triển được không? rồi bạn đó chỉ biết học, học và học vì sắp thi học kỳ, phải cố lấy cái giấy khen, sắp thi tốt nghiệp phải lấy cái bằng giỏi cho bằng bạn bằng bè... rồi mẹ bảo học khối A đi ra cho dễ xin việc lại kiếm nhiều tiền và bắt đầu vào học toán lí hóa,...rồi dù lực học kém cũng cố thi vào cái trường dân lập gì gì đó, vì theo xu thế các bạn học hết cấp 3 thi đại học thì mình cũng thi đại học, chứ hoc nghề thì biết theo nghề gì bây giờ, cái nghề mình thích thì đâu thể thi vì mình đâu được học, được ôn luyện mà bố mẹ thích mình học đại học. thôi cứ học đại học cho oách không mọi người lại coi thường vì không có học...đấy là một phần vì sao ở Việt Nam lại cứ đua nhau thi Đại học rồi thừa thầy thiếu thợ... Thiết nghĩ giáo dục phổ thông nên cải cách, giảm thiểu lượng kiến thức chưa có những áp dụng thiết thực.
Bạn đọc Mạnh Phong phân tích: "Tôi đồng cảm nhất ở suy nghĩ chỉ cần học đến lớp 9 là đủ. Nếu thiết kế lại chương trình một cách hệ thống đồng bộ thì kiến thức cơ bản đến lớp 9 là đủ . Cho nên bắt đầu từ năm lớp 8, 9 nên hạn chế sách vở hay chính xác hơn là nên cho học thông qua thảo luận, tham quan, du lịch (kiểu hội trại), thí nghiệm và các câu lạc bộ học sinh tự tổ chức có thầy cô phụ trách (rất tâm đắc kiểu CLB của các trường Nhật Bản).
Sau khi xem clip, ca sĩ Lam Trường chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng quan điểm của bạn nam sinh lớp 12 rất hay và đáng phải lưu tâm "Xem clip này đương nhiên sẽ có những điểm cần tranh luận để rõ hơn, nhưng rõ ràng hầu như những gì bạn đó nói đều phản ánh thực tế, không dễ để nói lên được suy nghĩ cũng như quan điểm của mình một cách sâu sắc như vậy.
Ở nền giáo dục Việt Nam, anh thấy đúng là có những môn học giống như học để có, lúc người ta hỏi tới thì mình biết để trả lời nhưng một người thật sự hữu ích và hiệu quả trong công việc thì lại cần những kiến thức chuyên môn nhiều hơn".
Ngoài ra, Lam Trường cũng bày tỏ thêm quan điểm rằng học sinh Việt Nam bị phí phạm nhiều thời gian và sức lực vào các môn học 'biết cho vui'. Nếu dùng khoảng thời gian phí phạm đó tập trung vào những kiến thức cũng như ứng dụng chuyên môn thì sẽ có ích hơn nhiều.
Dân mạng ủng hộ 'chỉ học hết lớp 9' - 2
Ca sĩ Lam Trường bày tỏ quan điểm về clip của nam sinh lớp 12 trên Facebook của anh.

Nguồn: Eva.vn
Share on Google Plus

Hãy Cho Chúng tôi Biết Về Cảm Nhận Của Bạn!