Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới




 
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN









Số:  54/2009/TT - BNNPTNT

 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc









   Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2009


THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới









Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg  ngày 16 tháng 04 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới như sau:

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Uỷ ban nhân dân xã.
Điều 2. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới là căn cứ để các địa phương chỉ đạo việc xây dựng, phát triển nông thôn mới; là cơ sở để đánh giá công nhận xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể bổ sung thêm tiêu chí hoặc quy định mức đạt của các tiêu chí cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhưng không được thấp hơn mức quy định trong Bộ tiêu chí quốc gia.

Phần II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC TIÊU CHÍ

Điều 4. Tiêu chí Quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch
1. Giải thích từ ngữ: Quy hoạch là bố trí, sắp xếp địa điểm, diện tích sử dụng các khu chức năng trên địa bàn xã: khu phát triển dân cư (bao gồm cả chỉnh trang các khu dân cư hiện có và bố trí khu mới); hạ tầng kinh tế - xã hội, các khu sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.v.v. theo chuẩn nông thôn mới.
2. Nội dung quy hoạch
2.1. Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ: Xác định nhu cầu sử dụng đất cho bố trí vùng sản xuất và hạ tầng kü thuật thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hoá nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; bố trí hệ thống thuỷ lợi, thuỷ lợi kết hợp giao thông... theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2.2. Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư  hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc  văn hoá tốt đẹp theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
2.3. Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới, bao gồm: bố trí mạng lưới giao thông, điện, trường học các cấp, trạm xá, trung tâm văn hoá, thể thao xã, nhà văn hoá và khu thể thao thôn, bưu điện và hệ thống thông tin liên lạc, chợ, nghĩa trang, bãi xử lý rác, hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước thải, công viên cây xanh, hồ nước sinh thái.v.v. theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  3. Căn cứ để xây dựng quy hoạch
- Thông tư số 21/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn;
- Quyết định số 2933/BGTVT-KHĐT ngày 11/5/2009 của Bộ Giao thông vân tải hướng dẫn tiêu chí nông thôn mới trong lĩnh vực giao thông nông thôn;
- QCXDVN 01: 2008/BXD Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - Quy hoạch xây dựng;
- QĐKT-ĐNT- 2006- Quy định kỹ thuật điện nông thôn;
- Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp;
- TCVN 4054: 2005 - Đường ôtô - Tiêu chuẩn thiết kế;
- TCVN 6696: 2004 - Bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh - Yêu cầu chung bảo vệ môi trường;
- TCXDVN 260: 2004 - Bãi chôn lấp chất thải nguy hại - Tiêu chuẩn thiết kế;
- Quyết định 32/2004/QĐ-BTC ngµy 06/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước tại xã, phường, thị trấn.
- Thông tư Liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD của Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường ngày 18/01/2001, hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn;
- TCXDVN 261: 2001- Bãi chôn lấp chất thải rắn- Tiêu chuẩn thiết kế;
- 22TCN 210-1992- Đường giao thông nông thôn- Tiêu chuẩn thiết kế;
Điều 5. Tiêu chí giao thông
1. Giải thích từ ngữ
1.1. Đường xã là đường nối trung tâm hành chính xã với các thôn hoặc đường nối giữa các xã (không thuộc đường huyện) có thiết kế cấp IV
1.2. Đường thôn là đường nối giữa các thôn đến các xóm.
1.3. Đường xóm, ngõ là đường nối giữa các hộ gia đình (đường chung của liên gia
1.4. Đường trục chính nội đồng là đường chính nối từ đồng ruộng đến khu dân cư
1.5. Cứng hoá là mặt đường được trải bằng một trong những loại vật liệu như đá dăm, lát gạch, bê tông xi măng v.v.
2. Căn cứ để quy hoạch, thiết kế và công nhận tiêu chí giao thông nông thôn
- Đường ô tô - Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 4054-2005;
- Đường GTNT- Tiêu chuẩn thiết kế 22 TCN 210-92;
- Quy phạm thiết kế cầu cống theo trạng thái giới hạn 22 TCN 18-79;
- Quy trình thiết kế áo đường mềm 22 TCN 211-06;
- Quy trình thiết kế áo đường cứng 22 TCN 223-95;
- Sổ tay Bảo dưỡng đường GTNT dùng cho cấp xã (ban hành năm 2003);
- Sổ tay bảo dưỡng đường GTNT dùng cho cấp tỉnh (ban hành năm 2009);
- Các quy chuẩn về giao thông nông thôn tại địa phương do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.
Điều 6.  Tiêu chí thuỷ lợi
1. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh
1.1. Giải thích từ ngữ
a. Công trình thuỷ lợi được hiểu là công trình thuộc kết cấu hạ tầng nhằm khai thác mặt lợi của nước; phòng chống tác hại do nước gây ra, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, bao gồm: Đê, hồ chứa nước, đập, cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, kênh, công trình trên kênh và bờ bao các loại.
b. Hệ thống công trình thuỷ lợi bao gồm các công trình thuỷ lợi có liên quan trực tiếp với nhau về mặt khai thác và bảo vệ trong một khu vực nhất định.
2. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh được hiểu là:
2.1. Về đê hoặc bờ bao chống lũ (đối với những xã có đê hoặc bờ bao chống lũ): được xây dựng đạt chuẩn về phòng chống lũ, bão, triều cường và nước dâng theo quy định, bao gồm: hoàn chỉnh mặt cắt thiết kế, cứng hoá mặt đê và đường hành lang chân đê, trồng cỏ mái đê, trồng cây chân đê phía sông, phía biển; làm lại hoặc tu sửa các cống dưới đê đảm bảo vững chắc, đồng bộ với mặt cắt đê; xử lý sạt lở đảm bảo ổn định, an toàn cho đê; đảm bảo môi trường xanh, sạch đẹp; có ban chỉ huy phòng chống lụt bão cấp xã, có đội quản lý đê nhân dân, đội tuần tra canh gác đê trong mùa lũ theo quy định, hoạt động có hiệu quả.
2.2. Đối với công trình tưới tiêu:
a. Đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu chủ động cho diện tích gieo trồng lúa, diện tích rau màu, cây công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản hoặc làm muối, cấp nước sinh hoạt, thoát nước theo quy hoạch được duyệt.
b. Các công trình thuỷ lợi đảm bảo tưới, tiêu, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh phát huy đạt trên 75% năng lực thiết kế.
c. Các công trình thuỷ lợi có chủ quản lý đích thực đạt 100%; Có sự tham gia của người dân trong quản lý, vận hành và khai thác công trình thuỷ lợi. Công trình được duy tu, sửa chữa thường xuyên hàng năm, chống xuống cấp, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả; không để xảy ra ô nhiễm nguồn nước.
 2. Tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá
2.1. Giải thích từ ngữ
a. Kiên cố hoá kênh mương là việc xây lát tấm bê tông; xây bằng đá, gạch hoặc lắp ghép bằng bê tông đúc sẵn nhằm đảm bảo cho các cấp kênh chuyển đủ lưu lượng và đạt cao trình mực nước thiết kế; nâng cao năng suất tưới, tiết kiệm nước, tiết kiệm đất xây dựng, tiết kiệm điện, giảm chi phí quản lý, khai thác và kéo dài tuổi thọ công trình.
b. Kênh do xã quản lý: là phần kênh mương thuộc phạm vi xã, do các tổ chức hợp tác dùng nước (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoặc Tổ chức dùng nước khác) của người dân quản lý, khai thác vận hành và duy tu sửa chữa hàng năm
2.2. Đối tượng áp dụng: Không áp dụng các xã biển đảo; hệ thống kênh tiêu, kênh tưới tiêu kết hợp; hệ thống tưới bằng kênh chìm có ảnh hưởng của thuỷ triều.
3. Các căn cứ để xây dựng quy hoạch và công nhận tiêu chí
- Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXD VN285:2002: công trình thuỷ lợi - Các quy định chủ yếu về thiết kế ban hành kèm theo Quyết định số 26/2002/QĐ-BXD ngày 28/8/2002 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
- Các tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến: thiết kế hệ thống kênh tưới, tiêu; trạm bơm; hồ chứa và các công trình thuỷ lợi khác;
- Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04/4/2001 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi: Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 và Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008;
- Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 và Quyết định số 56/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn giai đoạn 2009 - 2015;
- Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương;
- Thông tư số 75/2004/TT-BNN ngày 20/12/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn củng cố, phát triển và thành lập các tổ chức hợp tác dùng nước.
- Thông tư số 134/1999/TT-BNN-QLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc tổ chức thực hiện kiên cố hoá kênh mương.
Điều 7. Tiêu chí điện nông thôn
1. Giải thích từ ngữ
1.1. Hệ thống điện gồm: lưới điện phân phối, trạm biến áp phân phối, đường dây cấp trung áp, đường dây cấp hạ áp.
1.2. Hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện được hiểu là đáp ứng các nội dung của Quy định kỹ thuật điện nông thôn năm 2006 (QĐKT-ĐNT-2006), cả về lưới điện phân phối, trạm biến áp phân phối, đường dây cấp trung áp, đường dây cấp hạ áp, khoảng cách an toàn và hành lang bảo vệ, chất lượng điện áp (chỉ tiêu thông số kỹ thuật quy định tại các chương 1, 2, 3, 4, 5 của Quy định này).
1.3. Các nguồn cấp điện cho nông thôn gồm: nguồn điện được cấp từ lưới điện quốc gia, hoặc ngoài lưới điện quốc gia. Tại địa bàn chưa được cấp điện từ lưới điện quốc gia, tùy điều kiện cụ thể của địa phương để xem xét, áp dụng phương tiện phát điện tại chỗ như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, diesel … hoặc kết hợp các nguồn nói trên với quy mô công suất hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phụ tải và triển vọng phát triển trong vòng 5-10 năm tới.
1.4. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đối với xã nông thôn mới:
a. Đạt từ 99% trở lên (đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ);
b. Đạt từ 98% trở lên (đối với vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long),
c. Đạt từ 95% trở lên (đối với vùng Trung du và Miền núi phía Bắc).
2. Căn cứ để quy hoạch, thiết kế và công nhận tiêu chí
- Luật Điện lực (số 28/2004/QH 11, có hiệu lực từ ngày 01/7/2005);
- Nghị định số 105/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/8/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
- Nghị định số 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/8/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp;
- Quy phạm trang bị điện: 11 TCN-18-2006 đến 11 TCN-21-2006;
- Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về An toàn điện (QCVN01: 2008/BCT) ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BCT của Bộ Công Thương  ngày 17/6/2008, quy định các nguyên tắc bảo đảm an toàn khi làm việc tại đường dây, thiết bị điện.
Điều 8. Tiêu chí trường học.
1. Giải thích từ ngữ
1.1. Trường mầm non, nhà trẻ có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia: một xã có các điểm trường, đảm bảo tất cả các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được phân chia theo độ tuổi và tổ chức cho trẻ ăn bán trú, cụ thể như sau:
- Trường đặt tại trung tâm khu dân cư, thuận lợi cho trẻ đến trường, đảm bảo các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường.
- Diện tích khu đất xây dựng nhà trường, nhà trẻ gồm: diện tích sân chơi; diện tích cây xanh; đường đi. Diện tích sử dụng bình quân tối thiểu  12m2  cho một trẻ đối với khu vực nông thôn và miền núi;  8m2  cho một trẻ đối với khu vực thành phố và thị xã. Khuôn viên có tường bao ngăn cách với bên ngoài bằng gạch, gỗ, kim loại hoặc cây xanh cắt tỉa làm hàng rào. Cổng chính có biển tên trường theo quy định tại Điều 7 của Điều lệ trường mầm non.
- Có đủ phòng chức năng, khối phòng hành chính quản trị, phòng ngủ, phòng ăn, hiên chơi, phòng y tế, khu vệ sinh, khu để xe cho giáo viên, cán bộ, nhân viên có mái che… được xây dựng kiên cố. Nhà trẻ có nguồn nước sạch và hệ thống cống rãnh hợp vệ sinh. Khu trẻ chơi được lát gạch, xi măng hoặc trồng thảm cỏ. Phòng sinh hoạt chung được trang bị đủ bàn ghế cho giáo viên và trẻ. Có máy vi tính, các phương tiện làm việc và các trang thiết bị y tế và đồ dùng theo dõi sức khoẻ trẻ.
1.2. Trường tiểu học có cơ sở vật chất  đạt chuẩn quốc gia
- Trường có tối đa không quá 30 lớp, mỗi lớp có tối đa không quá 35 học sinh.
- Có khuôn viên không dưới 6m2/01 học sinh vùng thành phố/thị xã; không dưới 10m2/01 học sinh đối với các vùng còn lại.
- Có đủ phòng học cho mỗi lớp học (diện tích phòng học bình quân không dưới 01m2/01 học sinh). Trong phòng học có đủ bàn ghế cho giáo viên và học sinh, có trang bị hệ thống quạt. Bàn, ghế, bảng, bục giảng, hệ thống chiếu sáng, trang trí phòng học đúng quy cách. Được trang bị đầy đủ các loại thiết bị giáo dục theo danh mục tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Điều kiện vệ sinh đảm bảo các yêu cầu xanh, sạch, đẹp, yên tĩnh, thoáng mát, thuận tiện cho học sinh đi học.
- Có nhà tập đa năng, thư viện đạt chuẩn theo quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông ban hành theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/01/2003 và Quyết định số 01/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 29/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Có đủ các phòng chức năng: phòng hiệu trưởng, phòng phó hiệu trưởng, phòng giáo viên, phòng hoạt động Đội, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng y tế học đường, phòng thiết bị giáo dục, phòng thường trực.
- Trường có nguồn nước sạch, có khu vệ sinh riêng cho cán bộ giáo viên và học sinh, riêng cho nam và nữ, có khu để xe, có hệ thống cống rãnh thoát nước, có tường hoặc hàng rào cây xanh bao quanh trường.
  1.3. Trường trung học cơ sở có  cơ sở vật chất  đạt chuẩn quốc gia
- Có tổng diện tích mặt bằng tính theo đầu học sinh ít nhất đạt từ 6 m2 trở lên (đối với nội thành, nội thị) và từ 10 m2/học sinh trở lên (đối với các vùng còn lại);
- Cơ cấu các khối công trình gồm có: Phòng học và phòng học bộ môn (có đủ phòng học để học nhiều nhất là hai ca trong 1 ngày;
- Phòng học bộ môn xây dựng theo quy định tại Quyết định số 37/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phòng học xây dựng theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam do Bộ Xây dựng ban hành; phòng học có đủ bàn ghế học sinh phù hợp với lứa tuổi, bàn ghế của giáo viên, bảng viết và đủ điều kiện về ánh sáng, thoáng mát);
- Nhà tập đa năng, thư viện, phòng hoạt động Đoàn - Đội, phòng truyền thống; phòng làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, văn phòng, phòng họp toàn thể cán bộ và viên chức nhà trường, phòng giáo viên, phòng y tế học đường, nhà kho, phòng thường trực; khu sân chơi, bãi tập (có đủ thiết bị luyện tập thể dục thể thao và đảm bảo an toàn); khu vệ sinh và khu để xe.
- Có hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước cho tất cả các khu vực theo quy định về vệ sinh môi trường.
2. Căn cứ để quy hoạch, thiết kế xây dựng và công nhận tiêu chí
- Quyết định số 27/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/7/2001 ban hành Quy chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010;
- Quyết định số 32/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/10/2005 ban hành Quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia;
- Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/7/2008 ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia;
 - Quyết định số 07/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/4/2007 ban hành Điều lệ trường trung học;
- Quyết định số 51/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/8/2007 ban hành Điều lệ trường tiểu học;
- Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày  07/4/2008 ban hành Điều lệ trường Mầm non;
- Tiêu chuẩn thiết kế nhà trẻ, trường mẫu giáo (Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 262:2002);
- Tiêu chuẩn thiết kế trường học phổ thông (Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCVN 3978:1984).
Điều 9. Tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá
1. Giải thích từ ngữ
1.1. Trung tâm văn hóa, thể thao xã là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá - thể thao và học tập của cộng đồng xã, bao gồm: Nhà văn hoá đa năng (hội trường, phòng chức năng, phòng tập, các công trình phụ trợ và các dụng cụ, trang thiết bị tương ứng theo quy định) và Sân thể thao phổ thông (sân bóng đá, sân bóng chuyền, các sân nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ và tổ chức các môn thể thao dân tộc của địa phương).
1.2. Nhà văn hóa và khu thể thao thôn là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá - thể thao và học tập của cộng đồng thôn.
2. Tiêu chuẩn Trung tâm văn hóa, thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, cụ thể như sau:
2.1. Nhà văn hoá đa năng: Diện tích đất được sử dụng 1000m2 đối với các tỉnh đồng bằng và 800 m2  đối với các tỉnh miền núi, trong đó:
- Hội trường: 150 chỗ ngồi đối với các tỉnh đồng bằng và 100 chỗ ngồi đối với các tỉnh miền núi.
- Phòng chức năng (hành chính; thông tin; đọc sách, báo; truyền thanh; câu lạc bộ) phải có 05 phòng đối với các tỉnh đồng bằng và từ 02 phòng trở lên đối với các tỉnh miền núi.
- Phòng tập thể thao đơn giản sử dụng để huấn luyện, giảng dạy và tổ chức thi đấu thể thao có đủ diện tích theo quy định: 38m x 18m đối với các tỉnh đồng bằng và 23m x 11m đối với các tỉnh miền núi
- Các công trình phụ trợ (nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa): có đủ đối với các tỉnh đồng bằng và 70% đối với các tỉnh miền núi.
- Trang thiết bị nhà văn hoá (bàn ghế, giá, tủ, trang bị âm thanh, ánh sáng, thông gió, đài truyền thành): có đủ đối với các tỉnh đồng bằng và 70% đối với các tỉnh miền núi.
- Dụng cụ thể thao (dụng cụ chuyên dùng cho các môn thể thao phù hợp với phong trào thể thao quần chúng ở xã): có đủ đối với các tỉnh đồng bằng và 70% đối với các tỉnh miền núi.
2.2. Sân thể thao phổ thông gồm: sân bóng đá, ở hai đầu san bóng đá có thể bố trí sân bóng chuyền, sân nhảy cao, nhảy xa, sân đẩy tạ và một số  môn thể thao dân tộc của địa phương. Diện tích đất được sử dụng  90m x 120m đối với các tỉnh đồng bằng và 45m x 90m đối với các tỉnh miền núi.
2.3. Tổ chức quản lý và hoạt động
a. Cán bộ:
- Cán bộ quản lý: cán bộ quản lý có trình độ trung cấp về văn hoá, thể thao trở lên do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã bổ nhiệm và được hưởng phụ cấp bán chuyên trách.
- Cán bộ nghiệp vụ: đối với các tỉnh đồng bằng phải có cán bộ chuyên môn về văn hoá thể thao được hợp đồng và hưởng thù lao hợp lý. Đối với các tỉnh miền núi phải có cộng tác viên thường xuyên.
 b. Kinh phí hoạt động: đối với các tỉnh đồng bằng phải đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thường xuyên, ổn định hàng năm. Đối với các tỉnh miền núi phải đảm bảo 60%.
c. Hoạt động văn hoá, văn nghệ:
- Tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị: Đồng bằng 12 cuộc/năm; Miền núi 3 - 6 cuộc/năm.
- Liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng: Đồng bằng 12 cuộc/năm; Miền núi 3 - 6 cuộc/năm.
- Duy trì hoạt động thường xuyên các câu lạc bộ: Đồng bằng 10 câu lạc bộ trở lên; Miền núi 03 câu lạc bộ trở lên.
- Hoạt động xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, nếp sống văn hoá, bảo tồn văn hoá dân tộc: Đồng bằng hoạt động tốt; Miền núi có hoạt động.
- Thu hút nhân dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động, sáng tạo văn hoá: Đồng bằng 40% dân số trở lên; Miền núi 20% dân số trở lên.
d. Hoạt động văn hoá thể thao
- Thi đấu thể thao: Đồng bằng 03 cuộc/năm; Miền núi 01 cuộc/năm
- Thu hút nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên: Đồng bằng 30% dân số; Miền núi 15% dân số.
- Chỉ đạo, hướng dẫn nhà văn hoá, khu thể thao thôn (ấp, bản) hiện có: Đồng bằng 100%; Miền núi 70%.
3. Căn cứ để quy hoạch, thiết kế xây dựng và đánh giá tiêu chí:
Quyết định số 2448/QĐ-BVHTTDL ngày 07/7/2009 của Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch ban hành Quy chuẩn trung tâm văn hoá, thể thao xã.
Điều 10. Tiêu chí  chợ nông thôn.
 1. Giải thích từ ngữ
1.1. Chợ nông thôn lµ công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, là nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ ở nông thôn. Có hai loại chợ là chợ thôn và chợ trung tâm xã. Chợ phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng gồm: Nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác.
1.2. Chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng chỉ áp dụng với các chợ xây dựng trên địa bàn xã theo quy hoạch mạng lưới chợ nông thôn được Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt theo hướng dẫn của Bộ Công thương.
2. Căn cứ quy hoạch, thiết kế xây dựng và xét công nhận tiêu chí
- Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
- TCXDVN 361: 2006 - Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế.
Điều 11. Tiêu chí bưu điện
1. Giải thích từ ngữ
a. Điểm phục vụ bưu chính viễn thông là các cơ sở vật chất của các thành phần kinh tế cung cấp các dịch vụ bưu chính, viến thông trên địa bàn xã cho người dân.
b. Xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông là xã có ít nhất một trong các cơ sở phục vụ bưu chính, viễn thông như: đại lý bưu điện, ki ốt, bưu cục, điểm bưu điện - văn hoá xã, thùng thư công cộng và các điểm truy nhập dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng khác.
c. Xã có Internet về đến thôn được hiểu là đã có điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet.
2. Căn cứ quy hoạch, thiết kế xây dựng và xét công nhận tiêu chí
Đối với dịch vụ Internet băng rộng (ADSL): theo quy định tại Quyết định số 55/2006/QĐ-BBCVT ngày 25/12/2006 của Bộ Bưu chính Viến thông về việc ban hành tiêu chuẩn ngành: Dịch vụ truy nhập Internet ADSL - Tiêu chuẩn chất lượng, Mã số TCN 68-227:2006.
Điều 12.  Tiêu chí nhà ở dân cư
1. Giải thích từ ngữ
1.1. Nhà tạm là loại nhà không đảm bảo mức độ sử dụng tiện nghi tối thiểu, thiếu các diện tích đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu: bếp, nhà vệ sinh xây dựng bằng các vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo yêu cầu ‘‘3 cứng’’ (gồm nền cứng, khung cứng, mái cứng) và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
1.2. Nhà ở nông thôn đạt chuẩn Bộ Xây dựng có các chỉ tiêu sau:
a. Diện tích nhà ở đạt từ 14m2/ người trở lên;
b. Niên hạn sử dụng công trình nhà ở từ 20 năm trở lên;
c. Đảm bảo quy hoạch, bố trí không gian các công trình trong khuôn viên ở (gồm nhà ở và các công trình đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như bếp, nhà vệ sinh…) phải đảm bảo phù hợp, thuận tiện cho sinh hoạt đối với mọi thành viên trong gia đình; đồng thời các công trình đảm bảo yêu cầu tối thiểu về diện tích sử dụng;
d. Có đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt như điện, nước sạch, vệ sinh môi trường…. Giao thông đi lại từ chỗ ở phải kết nối với hệ thống giao thông chung của thôn, bản, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại cho người cũng như các phương tiện khác như xe thô sơ, xe máy…;
e. Kiến trúc, mẫu nhà ở phải phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của từng dân tộc, từng vùng, miền.
2. Căn cứ để thiết kế xây dựng nhà ở dân cư và xét công nhận tiêu chí
- Thông tư số 05-BXD-ĐT ngày 09/02/1993 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định diện tích sử dụng và phân cấp nhà ở;
- Quyết định số 76/2004/QĐ-TTg ngày 06/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020;
- Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Điều 13. Tiêu chí thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh
1. Giải thích từ ngữ
1.1. Thu nhập bình quân đầu người/năm là tổng các nguồn thu nhập của hộ/năm chia đều cho số thành viên trong gia đình. Thu nhập của hộ gia đình bao gồm toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật mà hộ và các thành viên của hộ nhận được trong thời gian một năm, gồm:
a. Thu từ tiền công, tiền lương;
b. Thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất);
c. Thu từ sản xuất ngành nghề phi nông nghiệp, lâm nghiệp thuỷ sản (đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất);
d. Thu khác được tính vào thu nhập (không tính tiền rút tiết kiệm, vay thuần tuý, thu nợ và các khoản chuyển nhượng vốn nhận được).
1.2. Bình quân chung của tỉnh được hiểu là bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn của tỉnh.
2. Phương pháp tính toán tiêu chí:
- Mức thu nhập bình quân đầu người/năm của xã sẽ do xã tự điều tra theo mẫu điều tra thu nhập hộ gia đình của Tổng cục Thống kê;
- Mức thu nhập bình quân đầu người/năm của tỉnh (khu vực nông thôn) sẽ dựa vào công bố hàng năm của Cục thống kê của tỉnh, thành phố.
- Thu nhập bình quân đầu người/năm so với bình quân chung của tỉnh được tính bằng cách lấy mức thu nhập bình quân đầu người/năm của xã chia cho mức thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn của tỉnh, thành phố.
Điều 14. Tiêu chí hộ nghèo:
1. Giải thích từ ngữ
Hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới chuẩn nghèo. Chuẩn nghèo được quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: từ 200 ngàn đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực nông thôn và 260 ngàn đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực thành thị.
2. Căn cứ xác định, xét công nhận tiêu chí
- Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010;
- Thông tư số 04/2007/TT-BLĐTBXH ngày 29/01/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn Qui trình rà soát hộ nghèo hàng năm;
- Thông tư số 30/2008/TT-BLĐTBXH  ngày 09/12/2008 về việc hướng dẫn quy trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hàng năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở các cấp địa phương.
Điều 15. Tiêu chí  cơ cấu lao động
1. Giải thích từ ngữ
Lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là số người trong độ tuổi (nam từ 18 đến 60 tuổi, nữ từ 18 đến 55 tuổi), có khả năng lao động làm việc thường xuyên trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trong xã (bao gồm cả người tranh thủ lúc nông nhàn đi ra ngoài làm việc, đến thời vụ lại về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại xã).
2. Phương pháp xác định: Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp bằng số lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của xã chia cho tổng số lao động trong độ tuổi ở xã.
Điều 16. Tiêu chí  hình thức tổ chức sản xuất
1. Giải thích từ ngữ
Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả là trên địa bàn xã có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã được thành lập chuyên sản xuất, làm một số dịch vụ hoặc kinh doanh tổng hợp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; kinh doanh có lãi được Uỷ ban nhân dân xã xác nhận.
Điều 17. Tiêu chí  giáo dục
1. Phổ cập giáo dục trung học cơ sở được căn cứ theo Quyết định số 26/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể như sau:
1.1. Tiêu chuẩn 1: 
a. Đạt và duy trì được chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ.
b. Huy động trẻ 6 tuổi học lớp 1 đạt  90% (xã đặc biệt khó khăn 80%) trở lên;
c. Ít nhất 80% (xã đặc biệt khó khăn 70%) số trẻ nhóm tuổi 11-14 tốt nghiệp tiểu học, số trẻ em còn lại trong độ tuổi này đang học tiểu học.
d. Huy động 95% (xã đặc biệt khó khăn 80%) trở lên học sinh tốt nghiệp tiểu học hàng năm vào học lớp 6 trung học cơ sở phổ thông, bổ túc.     
e. Bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, thực hiện dạy đủ các môn học của chương trình.
1.2. Tiêu chuẩn 2:
 a. Tỉ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm từ 90% (xã đặc biệt khó khăn 70%) trở lên;
 b. Tỷ lệ thanh, thiếu niên từ 15 đến hết 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cả hai hệ từ 80% (xã đặc biệt khó khăn 70%) trở lên.
2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề).
2.1. Giải thích từ ngữ
Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) là số học sinh của xã đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đã và đang được tiếp tục học bậc trung học tại các trường phổ thông trung học, bổ túc văn hoá và học nghề.
2.2. Phương pháp xác định:




Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học bậc trung học



=

Số học sinh tốt nghiệp THCS của xã đã và đang được tiếp tục học bậc trung học tại các trường phổ thông trung học, bổ túc văn hoá và học nghề
Tổng số học sinh của xã đã tốt nghiệp THCS



x



100
3. Tỷ lệ lao động  qua đào tạo
Lao động qua đào tạo là số lao động trong độ tuổi có khả năng lao động đã được tham gia các khóa bồi dưỡng dạy nghề ngắn hạn hoặc đào tạo dài hạn (chính quy và không chính quy), được cấp các loại chứng chỉ, văn bằng như: chứng chỉ học nghề, bằng trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cao đẳng và đại học.


Tỷ lệ lao động qua đào tạo

=
Lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học
Tổng số lao động trong độ tuổi

x

100%
Điều 18.  Tiêu chí  Y tế
1. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế
1.1. Giải thích từ ngữ: Người dân được coi là tham gia bảo hiểm y tế khi đã tham gia một hoặc một số hình thức bảo hiểm y tế sau:
a. Hình thức do ngân sách nhà nước hoặc quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, áp dụng đối với các đối tượng: người nghèo; người dân tộc thiểu số; người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; trẻ em dưới 6 tuổi; cựu chiến binh; thân nhân người có công, quân đội, công an; người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
b. Hình thức tự đóng toàn bộ phí bảo hiểm y tế hoặc được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế, áp dụng cho các đối tượng còn lại kể cả những người lao động trong doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước nhưng đăng ký hộ khẩu thường trú sinh sống trên địa bàn xã.
1.2. Phương pháp tính toán


Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế
=
Số người có thẻ bảo hiểm y tế









Tổng dân số của xã
x
100
2. Y tế xã đạt chuẩn quốc gia: Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế được xác định căn cứ theo các quy định của Bộ Y tế.
- Quyết định 370/2002/QĐ-BYT ngày 07/02/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010”.
- Bảng điểm Chuẩn quốc gia về y tế xã và Hướng dẫn chi tiết cách tính điểm Chuẩn quốc gia về y tế xã của Bộ Y tế.
- Công văn số 10855/YT-KH ngày 12/12/2002 của Bộ Y tế gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc hướng tổ chức thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010”.
Điều 19.  Tiêu chí văn hóa
 Xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hoá theo Quy chế công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá", "Làng văn hoá", "Tổ dân phố văn hoá" ban hành kèm theo Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày 23/6/2006 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch)
Điều 20.  Tiêu chí  môi trường
1. Giải thích từ ngữ:
1.1. Nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy chuẩn Quốc gia
a. Nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt - QCVN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17/6/2009.
b. Nước hợp vệ sinh là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau lọc thoả mãn các yêu cầu chất lượng: không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi.
c.  Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy chuẩn Quốc gia là tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh trong đó có tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Quốc gia trên tổng số hộ của xã, cụ thể như sau:
- Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên: 80% số hộ, trong đó 45% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia.
- Đồng bằng sông Hồng, Đông nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long: 90% số hộ, trong đó 50% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia.
- Bắc trung Bộ và Duyên hải Nam trung Bộ: 85% số hộ, trong đó 50% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia.
1.2. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường
a. Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm: Các cơ sở sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp), các cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản của hộ cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
b. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường nếu trong quá trình sản xuất, chế biến có xả nước thải, chất thải rắn, mùi, khói bụi, tiếng ồn nằm trong giới hạn cho phép theo quy định.
1.3. Không có các hoạt động gây ô nhiễm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp gồm các nội dung:
a. Không có cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
b. Trong mỗi thôn (bản, buôn, ấp) đều có tổ dọn vệ sinh, khai thông cống rãnh, phát quang dọn cỏ ở đường thu gom về nơi quy định để xử lý.
c. Định kỳ tổ chức tổng vệ sinh với sự tham gia của mọi người dân.
d. Tổ chức trồng cây xanh ở nơi công cộng, đường giao thông và các trục giao thông chính nội đồng.
e. Tôn tạo các hồ nước tạo cảnh quan đẹp và điều hoà sinh thái.
1.4. Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch
a. Mỗi thôn hoặc liên thôn cần quy hoạch đất làm nghĩa trang lâu dài.
b. Có quy chế về quản lý nghĩa trang quy định cụ thể khu nghĩa trang phải có khu hung táng, cát táng, tâm linh, nơi trồng cây xanh, có lối đi thuận lợi cho việc thăm viếng. Mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao quy định.
c. Cùng với việc quy hoạch và xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang cần vận động người dân:
- Thực hiện hoả táng thay cho chôn cất ở những nơi có điều kiện;
- Thực hiện chôn cất tại nghĩa trang thay cho chôn cất tại vườn (ở những nơi còn phong tục này).
 2. Căn cứ để đánh giá tiêu chí
- Điều 37, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội;
- Quyết định số 22/2006/QĐ-BTNMT ngày 18/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bắt buộc áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường;
- Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định việc chuyển đổi một số tiêu chuẩn môi trường do Nhà nước công bố bắt buộc áp dụng thành quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
- Quyết định số 328/2005/QĐ-TTg ngày 12/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia về Kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010.
- Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Nghị định 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về Xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.
- TCVN  7956: 2008 -  Nghĩa trang đô thị- Tiêu chuẩn thiết kế
+ Nước thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải TCVN 5945:2005;
            - Chất lượng không khí - Tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ  TCVN 5939:2005;
            - Chất lượng không khí - Tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với một số  chất hữu cơ  TCVN 5940:2005;
            - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN 14:2008/BTNMT;
                - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản QCVN 11:2008/BTNMT;
            - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất QCVN 15:2008/BTNMT;
                - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn kim loại trong đất QCVN 03:2008/BTNMT;
            - Chất thải nguy hại, phân loại TCVN 6706 - 2000;
            - Bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh. Yêu cầu chung về bảo vệ môi trường TCVN 6696 - 2000;
            - Bãi chôn lấp chất thải rắn. Tiêu chuẩn thiết kế TCXDXN 261 - 2001;
- Quyết định số 27/2004/QĐ-BXD ngày 09/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành TCVN 320 - 2004 về bãi chôn lấp chất thải nguy hại. Tiêu chuẩn thiết kế.
            - Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/ 2007 về quản lý chất thải rắn;
            - Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2006 về việc ban hành danh mục chất thải nguy hại;
- Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại.
Điều 21.  Tiêu chí  hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh
1. Giải thích từ ngữ:
1.1. Hệ thống tổ chức chính trị xã hội ở xã bao gồm:
a. Tổ chức đảng: Đảng bộ xã và các chi bộ thôn, bản; các chi bộ ở các ngành thuộc xã và đơn vị đóng trên địa bàn sinh hoạt tại xã.
b. Chính quyền: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, các ban giúp việc cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã và các trưởng thôn.
c. Đoàn thể chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh xã và các chi hội ở thôn, liên thôn (không bao gồm các tổ chức xã hội nghề nghiệp).
1.2. Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định là tất cả các thôn, bản đều có các tổ chức "chân rết" của các cơ quan đoàn thể xã theo quy định như: các chi bộ đảng, các chi hội, trưởng thôn, bản. Không có tình trạng để "trắng" các tổ chức này ở các thôn bản.
1.3. Cán bộ xã đạt chuẩn:
a. Cán bộ xã nêu ở tiêu chí này bao gồm cán bộ, công chức xã theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.
b. Cán bộ xã đạt chuẩn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã quy định tại quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và phải hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao quy định tại quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
1.4. Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn "Trong sạch, vững mạnh"
a. Đảng bộ hoặc chi bộ cơ sở "Trong sạch, vững mạnh" phải đảm bảo 05 yêu cầu theo quy định. 
b. Chính quyền "Trong sạch, vững mạnh" phải đảm bảo 07 yêu cầu theo quy định. 
1.5. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên theo quy định của từng tổ chức.
Điều 22.  Tiêu chí  an ninh, trật tự xã hội được giữ vững
1. Giải thích từ ngữ: An ninh, trật tự xã hội được giữ vững là giữ vững sự ổn định và phát triển của xã hội có tổ chức, có kỷ cương, trong trạng thái bình yên, trên cơ sở những quy định của pháp luật.
2. Các chỉ tiêu cần phải dạt được của xã nông thôn mới
2.1  Chỉ tiêu 1:
a. Hàng năm Đảng uỷ có Nghị quyết, UBND có Kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh, trật tự.
b. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự và “ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”.
c. Hàng năm phân loại xã về “Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” đạt từ loại khá trở lên.
d. Lực lượng Công an xã được xây dựng, củng cố ngày càng trong sạch, vững mạnh theo quy định của Pháp lệnh Công an xã và hướng dẫn của ngành Công an. Hàng năm phân loại thi đua tập thể Công an xã đạt danh hiệu “Đơn vị tiên tiến” trở lên; không có cá nhân Công an xã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
2.2  Chỉ tiêu 2:
a. Không để xẩy ra hoạt động phá hoại các mục tiêu, công trình kinh tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng. Không để xẩy ra các hoạt động chống đối Đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; không để xảy ra các hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật; gây rối an ninh trật tự...
b. Không để xẩy ra mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp trong nội bộ nhân dân; khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp kéo dài.
2.3  Chỉ tiêu 3:
a. Kiềm chế và làm giảm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác so với năm trước, không để xẩy ra tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (từ 7 năm tù trở lên).
b. Kiềm chế và làm giảm tai nạn, tệ nạn xã hội so với năm trước. Không để xẩy ra cháy, nổ, tai nạn giao thông và tai nạn lao động nghiêm trọng.

II. TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, XÉT DUYỆT ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI

Điều 23.  Việc xét và công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới căn cứ vào Bộ tiêu chí nông thôn mới do Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố áp dụng trên địa bàn tỉnh (bao gồm Bộ tiêu chí quốc gia và các các tiêu chí bổ sung của tỉnh), cụ thể như sau:
1. Các xã căn cứ vào Bộ tiêu chí nông thôn mới tự đánh giá, nếu đạt đủ các tiêu chí theo quy định thì báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện để tổng hợp danh sách gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh trước tháng 11 hàng năm.
2. Ban Chỉ đạo nông thôn mới của tỉnh thành lập các tổ công tác thẩm định và ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
3. Ban Chỉ đạo nông thôn mới trung ương kiểm tra việc công nhận xã nông thôn mới ở các tỉnh để xét công nhận huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới cho các huyện có 75%  số xã trong huyện đạt nông thôn mới và các tỉnh có 75%  số huyện trong tỉnh đạt nông thôn mới.

Phần III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24.  Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc các địa phương phản ánh về  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời bổ sung, sửa đổi./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP. trực thuộc TW ;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát Nhân dân tối cao;
- MTTQ VN và Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Chi cục PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW ;
- Website Chính phủ, Website Bộ NN & PTNT;
- Công báo;
- Lưu VT, KTHT.T:ần Văn Môn
BỘ TRƯỞNG
 

(đã ký)


Cao Đức Phát
 

 




Share on Google Plus

Hãy Cho Chúng tôi Biết Về Cảm Nhận Của Bạn!