Nghệ sĩ chèo Quỳnh Mai

Nghệ sĩ chèo Quỳnh Mai
Nét duyên của chiếc răng khểnh, đôi mắt nâu với ánh mắt “sắc như dao cau” của Quỳnh Mai đã thu hút tôi ngay từ lời chào đầu tiên. Một đào nương của hơn 20 vở chèo trong gần hai mươi năm “sinh nghề” tại Nhà hát chèo Bắc Giang (đoàn chèo Bắc Giang cũ) đã ghi dấu ấn của Quỳnh Mai không chỉ với bạn bè đồng nghiệp mà với rất nhiều bà con trong, ngoài tỉnh.
Thừa hưởng từ bố lòng yêu nghệ thuật, cô con gái út trong một gia đình có 6 người con tại làng Đình Cả, Bắc Giang đã sớm bộc lộ khả năng ca hát và biểu diễn trước đám đông khi thường xuyên bám theo bố đi ăn cưới chỉ để được hát góp vui. Ngày ấy, cô bé Mai thích hát những làn điệu dân ca, thích nghe chèo và học thuộc rất nhanh những câu cải lương hay cả những vai diễn trong các vở cải lương mà bố hay mua về.
Quỳnh Mai - vai bà Ba Cẩn trong vở chèo cùng tên
Phát hiện khả năng “trời phú” của cô út, bố là người luôn theo sát và động viên cho Mai đi theo con đường nghệ thuật. Khi Đoàn nghệ thuật Chèo Hà Bắc về tuyển diễn viên tại làng năm 1994, Quỳnh Mai đã đăng ký tham gia và trúng tuyển. Cùng năm đó, 21 bạn trúng tuyển vào Đoàn đã được gửi ra trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội để đào tạo bài bản, trong đó có Quỳnh Mai. Sau ba năm “dùi mài kinh sử”, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, nhiều cơ hội đến với Mai khi Nhà hát Chèo Hà Nội sẵn sàng nhận về công tác, nhưng không quên cái nôi cũ đã tin tưởng gửi gắm, một phần nữa là nặng lòng với quê hương và muốn cống hiến cho mảnh đất quê mình, Quỳnh Mai quay trở về công tác tại đoàn từ đó cho đến nay.
Vốn thông minh lại có sắc vóc, Quỳnh Mai đã trở thành đào chính trong hầu hết các vở diễn của Nhà hát Chèo Bắc Giang. Từ vai diễn đầu tiên, tiểu thư Anh Cơ của xứ Cao Ly trong vở "Hoàng thúc Lý Long Tường" cho đến những vai tiếp theo như: cô gái quê nghèo bị mắc bệnh phong trong vở “Người đi đòi nợ Phật”; A Sa trẻ trung mạnh mẽ trong vở “Lời ru hai bà mẹ”; Diệu Linh chao chát đỏng đảnh trong vở “Nước mắt tuổi thơ”, rồi Quỳnh trong “Nỗi đau tình mẹ”; Mai Hương trong vở “Chiếc bóng oan khiên” cho đến các vai chèo mẫu mực như: Thị Kính, Thị Mầu, Xúy Vân, đào Huế… đều được chị chuyển tải thành thục, điêu luyện. Đặc biệt với nhân vật Xuý Vân, chị đã nỗ lực luyện tập và vượt qua hai đồng nghiệp cùng đoàn để được đảm nhận vai diễn này khi Đoàn đứng trước sự lựa chọn 1 trong 3 diễn viên trong đợt tham gia Hội diễn Chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại Quảng Ninh năm 2001. Cũng chính để đáp lại sự tin tưởng ấy, chị đã hoá thân thành công một nhân vật Xuý Vân giả dại đầy ám ảnh kết hợp với các động tác múa thể hiện nội tâm, chị đã mang về chiếc Huy chương Vàng toàn quốc đầu tiên trong sự nghiệp và “ẵm” luôn giải diễn viên múa đẹp nhất do Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trao tặng. Một Quỳnh Mai tươi trẻ, với khuôn mặt hồn hậu nhưng đã hoá thân vào một Xuý Vân với từng điệu bộ, cử chỉ, con mắt liếc dọc, liếc ngang, tiếng hát thánh thót vang lên rồi tắt lịm, tiếng cười điên dại như xé toạc màn đêm, rồi động tác múa uyển chuyển đã chạm đến tận cùng cảm xúc của người xem. Cũng với vai diễn Xuý Vân, Quỳnh Mai còn được giải Ba tại hội thi tài năng Sân khấu trẻ toàn quốc năm 2003, ở Hà Nội.
Tiếp tục ghi dấu ấn, năm 2005, Quỳnh Mai đoạt Huy chương Bạc trong vai vợ Ba Đề Thám của vở “Đề Thám” tại Hội diễn Sân khấu Chèo toàn quốc. Năm 2009, trong vai Thân phu nhân trong vở “Danh chiếm bảng vàng” Quỳnh Mai giành Huy chương Bạc Hội diễn chèo toàn quốc tại Quảng Ninh. Năm 2011, với vai cô Nga trong “Câu chuyện làng đồi”, chị đã “rinh” thêm một Huy chương Vàng của Liên hoan chèo về đề tài hiện đại tại Thái Bình.
Quỳnh Mai trong vở diễn tham dự Liên hoan Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013
Liên tiếp thành công trong các lần Liên hoan, hội diễn đã minh chứng cho tài năng nghệ thuật của Quỳnh Mai. Niềm say mê nghệ thuật, sự khổ luyện và ngọn lửa cảm xúc luôn giúp Mai làm mới các vai diễn, thổi được vào nó linh hồn của cuộc sống. Và nhân vật bà Ba Cẩn - vợ ba và là trợ thủ đắc lực của Hoàng Hoa Thám trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – một người phụ nữ dũng cảm, mưu trí vì không cam chịu đời nô lệ, bà đã trẫm mình xuống biển tự vẫn khi bị quân giặc bắt tù đày…đã được Quỳnh Mai diễn chân thực và rất có hồn. Vai diễn này đã mang về cho Quỳnh Mai thêm một chiếc Huy chương Vàng Cuộc thi chèo chuyên nghiệp toàn quốc  tổ chức tại thành phố Hải Phòng trong tháng 10 vừa qua.
Hiện tại, có thể chủ quan để nói rằng, Quỳnh Mai đang ở thời kỳ thăng hoa và viên mãn nhất trong nghệ thuật cũng như cuộc sống. Với tuổi đời 36, gần 20 năm làm nghề với 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và nhiều giải thưởng cao quý khác đã được nhận; một gia đình nhỏ yên ấm, hạnh phúc với người chồng cũng là đồng nghiệp tại đoàn đang đảm nhiệm vai trò quản lý – NSƯT Quang Lẫm cùng cô con gái 6 tuổi và một thành viên còn đang trong bụng mẹ. Có lẽ chính tất cả những điều đó là động lực, tiếp “lửa” thêm cho Quỳnh Mai để chị có thể bay cao, bay xa hơn nữa trong nghệ thuật.
Share on Google Plus

Hãy Cho Chúng tôi Biết Về Cảm Nhận Của Bạn!